Vấn đề xây nhà ở xã hội, quản lý khu chung cư, cấp phép xây dựng, an toàn xây dựng đã được đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay (19/3/2010).
Gần 500.000 hộ sẽ được hỗ trợ nhà ở
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn |
Về việc thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, chính sách này đã đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân đồng tình và ủng hộ.
Tổng hợp số liệu từ các Đề án xây nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo của các địa phương đã được phê duyệt, số hộ sẽ được hỗ trợ là 497.231, trong đó số hộ người dân tộc thiểu số là 226.934, hộ gia đình thuộc 62 huyện nghèo là 77.311.
Về giải quyết nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cả nước có 24 dự án được khởi công với tổng số vốn đầu tư 2.600 tỉ đồng, tổng diện tích sàn 753.000 m2, góp phần giải quyết chỗ ở 125.000 công nhân lao động.
Về nhà ở cho người thu nhập thấp tại các khu đô thị, cả nước có 31 dự án với tổng vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng, diện tích sàn 655.000 m2, giải quyết chỗ ở cho 55.000 người.
Đối với nhà ở cho sinh viên, mục tiêu đến năm 2015 sẽ có khoảng 60% sinh viên có nhu cầu về nhà ở được được đáp ứng. Giai đoạn 2009-2010 dự kiến đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, giải quyết 200.000 chỗ ở cho sinh viên.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nêu lên thực tế, hiện nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo gặp vướng mắc về vốn và mặt bằng.
Cấp phép xây dựng: Vẫn còn “nhiều cửa”
Nhìn nhận về công tác quản lý nhà nước về cấp phép xây dựng, quy hoạch và quản lý xây dựng tại các đô thị lớn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thẳng thắn: Mặc dù đã có quy định trách nhiệm của cơ quan cấp phép là phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về cấp phép xây dựng, nhưng nhiều nơi quy định này vẫn chỉ là hình thức. Nhiều trường hợp chủ đầu tư vẫn phải qua “nhiều cửa” để xin ý kiến của các cơ quan có liên quan như quy hoạch, kiến trúc, môi trường, cấp thoát nước, đê điều...
“Điều này làm chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian nên không xin giấy phép xây dựng nữa mà... xin được chịu xử phạt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nêu lên thực tế.
Đề xuất hướng giải quyết, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, cần sửa đổi Luật Xây dựng, các văn bản liên quan đến cấp phép xây dựng như làm rõ thành phần hồ sơ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đơn giản hóa thủ tục, hướng tới việc nhà nước chỉ kiểm soát ở khâu cấp phép xây dựng.
Việc quy hoạch và quản lý đô thị hiện nay, theo Bộ Xây dựng, 100% thành phố, thị xã đã có quy hoạch, 581/646 thị trấn hoàn thành quy hoạch. Tỷ lệ đô thị đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt đạt 95%.
Tuy nhiên, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận, việc lập quy hoạch còn chậm và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý của địa phương, chưa thực sự đi trước một bước để làm cơ sở cho đầu tư phát triển.
Theo đó, để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng đề xuất, nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước, quy hoạch xây dựng, đặc biệt tại các đô thị, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng phù hợp với thực tế phát triển, xây dựng kế hoạch hàng năm cho các dự án quy hoạch xây dựng phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước...
An toàn lao động trong xây dựng: Cần nâng cao tác phong công nghiệp của người thợ
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư nêu ra tình trạng mất an toàn trong xây dựng hiện nay và chất vấn: Trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động như thế nào?
“Đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu và thực trạng mất an toàn xây dựng như vừa qua, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát cụ thể từng lĩnh vực để có chế tài cụ thể, rõ ràng. Nếu thiếu, đấy là trách nhiệm của cá nhân tôi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thẳng thắn trả lời.
Bộ trưởng cho rằng, tác phong công nghiệp và ý thức của mỗi người thợ mới là vấn đề mấu chốt. "Ngay như trường hợp một kỹ sư giám sát xây dựng của nhà thầu, khi đi giám sát do không để ý đã vấp chân vào xà gồ dẫn đến tử vong, cũng là đáng tiếc. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải nâng cao tác phong công nghiệp và chuyên nghiệp trong xây dựng bên cạnh sự giám sát chặt chẽ của cấp trên và chính của chủ đầu tư".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc lưu ý, việc bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng đối với người lao động phải quyết liệt hơn, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nhà thầu có thuê công nhân thời vụ không có kỹ năng làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân tiếp thu các ý kiến và thừa nhận, các chế tài xử phạt, xử lý còn có vấn đề, cần sớm được sửa đổi, chấn chỉnh.
Chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Sau đó là phần trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình.
DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: