Cái khó là phải giải quyết mâu thuẫn giữa việc muốn giữ đất nông nghiệp trong khi công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Sau khi khởi đăng loạt bài “Tìm quyết sách mới về nông dân, nông thôn, nông nghiệp”, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia cũng như các nhà quản lý. Xin trân trọng giới thiệu ý kiến của ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh những vấn đề mà loạt bài đặt ra.
Duy trì lợi thế về nông nghiệp
Không phải quốc gia nào cũng có được nhiều lợi thế về nông nghiệp như chúng ta. Vì thế, mọi chiến lược phát triển đất nước, trước tiên phải đảm bảo duy trì và phát triển lợi thế về nông nghiệp chứ không phải làm cho nó mai một đi.
Mặt khác, mật độ dân cư của chúng ta rất cao, khoảng 270 người/km2 trong khi diện tích đất nông nghiệp ít nên càng phải tiết kiệm và bảo vệ đất nông nghiệp. Càng lấy đất làm dự án, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng thiếu tư liệu sản xuất nông nghiệp. Khi đó, vấn đề lương thực thực phẩm sẽ trở nên vô cùng nan giải.
Trong 10 năm qua, đất trồng lúa đã bị giảm tới 350.000 ha. Ở nhiều địa phương, đất trồng lúa bị mất oan do chạy đua theo phong trào lấy đất làm dự án đô thị, công nghiệp, dịch vụ để báo cáo thành tích về chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Nhiều vùng đất nông nghiệp màu mỡ có sản lượng gấp 5-10 lần vùng đất khác như Thái Bình, Nam Định (sản lượng lúa từ 13 đến 15 tấn/ha) cũng bị đem vùi lấp thành KCN. Trong khi đó, vùng đất bạc màu, kém hiệu suất lại phải gánh thêm trách nhiệm cung ứng lương thực của cả những vùng tốt hơn (bị lấy đất) thì làm sao đảm bảo được. Cứ đà này, nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm rất gần.
Chấm dứt lãng phí đất trong quy hoạch đô thị
Một thủ phạm khác làm cho đất nông nghiệp bị mất dần là những dự án đô thị đang hình thành với tốc độ chóng mặt. Cùng với đó là thói quen sử dụng lãng phí đất - một căn bệnh đáng sợ của những người có trách nhiệm duyệt các quy hoạch đô thị. Chính phủ cần có một số chính sách mới nhằm chấm dứt thói quen đó.
Hiện nay, chúng ta vẫn lập các dự án đô thị trên diện tích đất rộng, gây lãng phí đất và bị chủ đầu tư lợi dụng. Trong Luật Xây dựng cũng chỉ quy định các dự án, quy hoạch phải đảm bảo tỷ lệ diện tích mặt sàn xây dựng trên tổng diện tích dự án. Chủ đầu tư chỉ việc chồng thêm số tầng vô tội vạ là đáp ứng quy định, còn lại dôi ra được một quỹ đất khá lớn ở dưới mặt đất dùng để chia lô, bán nền cho nhà riêng, biệt thự. Chủ đầu tư thu lợi lớn trong khi nhà nước gần như không thu thêm được gì. Chính phủ cần thay đổi quy định về tỷ lệ mặt sàn sang áp dụng tỷ lệ mặt đất để sử dụng đất dự án hiệu quả hơn.
Chính phủ cũng cần có biện pháp can thiệp quyết liệt bằng chính sách cụ thể nhằm chấm dứt tình trạng chủ đầu tư được chính quyền địa phương cho phép lấy đi những vùng đất trù phú, thuận lợi của dân. Trong kỳ họp vừa qua của HĐND TP Hà Nội, khi cử tri chất vấn về việc tại sao khi làm quy hoạch không lấy vùng đất bạc màu, khó khăn như huyện Sóc Sơn để “kích” khu vực đó phát triển lên, một số lãnh đạo TP đã thản nhiên trả lời rằng vì “cho chủ đầu tư cũng chẳng lấy”.
Khắc phục lỗ hổng về ưu đãi đầu tư
Quy hoạch theo ý chí của chủ đầu tư rõ ràng rất nguy hiểm vì không hiểu giá trị của đất nông nghiệp, không có khả năng dùng chính quy hoạch dự án để làm thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội ở những vùng khó khăn. Càng triển khai theo hướng này, chúng ta càng tự đẩy mình vào thế bí, không gỡ nổi. Đó là vùng đất khó khăn thì không được cải thiện, vùng có điều kiện hơn thì thường xuyên bị xáo trộn bởi các dự án và quy hoạch nhắm vào.
Đây là một kiểu tư duy làm quy hoạch vừa cũ vừa thiếu kiến thức, lại mang tính tự phát, cần được thay đổi. Theo đó, các dự án KCN, dịch vụ, đô thị bắt buộc phải đưa ra những vùng khó khăn, đất đai bạc màu. Phải dùng đầu tư để thay đổi hoàn cảnh địa phương.
Chính phủ cũng cần có ngay giải pháp khắc phục lỗ hổng chính sách về ưu đãi đầu tư của các tỉnh hiện nay. Chính sách này đã, đang tạo cơ hội biến đất nông nghiệp thành những miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ. Có tình trạng nhiều chủ đầu tư dỏm, không tiền, không có năng lực nhưng lại được quyền ôm đất dự án. Cắm đất, phân lô xong rồi họ để đấy năm năm, mười năm, khi nào được lời cao thì bán trao tay, không cần nhọc sức đầu tư xây dựng.
Trước mắt, Chính phủ nên có ngay một quy hoạch tổng thể về đất nông nghiệp, định ra chính sách rõ ràng nhằm bảo vệ loại đất này. Chính phủ cần tính toán cụ thể số diện tích, nghiêm cấm xâm phạm, rồi trên cơ sở của từng tỉnh mà định rõ trách nhiệm của lãnh đạo mỗi tỉnh phải giữ đất nông nghiệp.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: