Top

Cần tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp BĐS uy tín, có dự án tốt

Cập nhật 04/11/2022 15:24

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh đây là một trong những biện pháp để thị trường bất động sản ổn định, phát triển lành mạnh, an toàn.

Trong phiên chất vấn Quốc hội chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra dự báo thị trường bất động sản thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn bởi nguồn cung khan hiếm, nguồn vốn và tín dụng vẫn hạn chế.

Tuy nhiên, ông Nghị vẫn bày tỏ sự lạc quan rằng thị trường sẽ phát triển tích cực nếu thực hiện đồng bộ quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng đề ra. Đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho thị trường; kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản, đảm bảo sử dụng đúng mục đích tránh rủi ro.

Đặc biệt, ông Nghị nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định pháp luật, có tín nhiệm, có dự án tốt đáp ứng được điều kiện thì cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng, để phát triển dự án bất động sản, góp phần tăng nguồn thu, đặc biệt là ưu tiên cho vay với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cần tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản uy tín, có dự án tốt. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, phải tiếp tục kiểm soát phát hành trái phiếu, đồng thời cũng hướng dẫn thực hiện phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản đúng quy định, tạo điều kiện không cản trở huy động vốn của các doanh nghiệp có đủ năng lực hoạt động kinh doanh tốt.

Tháo gỡ khó khăn thủ tục để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, tạo nguồn cung cho thị trường. Khẩn trương rà soát quản lý quy hoạch xây dựng, thị trường bất động sản tại các địa phương, đặc biệt là giải pháp thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, thực hiện đề án hoàn thành 1 triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

"Với các giải pháp đồng bộ được thực hiện quyết liệt cùng với sự phối hợp hiệu quả của các bộ ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp thì thị trường bất động sản của nước ta sẽ dần ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Nghị nói.

Cũng theo ông Nghị, thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và trình độ, năng lực của các chủ thể tham gia thị trường... đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Cụ thể, đóng góp trung bình của ngành Xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành BĐS trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP). Thu hút nguồn vốn FDI lĩnh vực bất động sản năm 2021 khoảng 2,6 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn FDI, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực FDI). Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng BĐS tính đến 31/8/2022 đạt 777.235 tỷ (tính đến 30/6/2022 là 784.575 tỷ). Hiện có hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản, hơn 44 cơ sở đào tạo về bất động sản (khoảng 32.900 đã cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản).

Tuy vậy, hiện nay thị trường bất động sản chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nguồn vốn huy động phát hành trái phiếu, nguồn vốn khác chỉ chiếm 15 - 30% và chưa có nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản. Đặc biệt trong quý III thì các doanh nghiệp bất động sản có khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng cũng như huy động trái phiếu doanh nghiệp.

Dự báo thị trường bất động sản thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “Theo kinh nghiệm của các nước và nước ta trong những năm gần đây, thị trường bất động sản biến động khi chịu tác động của nhiều yếu tố: Thứ nhất là ảnh hưởng từ tình hình kinh tế vĩ mô; Thứ hai là các kênh đầu tư khác không ổn định so với đầu tư bất động sản; Thứ ba là nguồn cung bất động sản quá thiếu hoặc quá thừa so với nhu cầu; Thứ tư là chính sách tài chính tín dụng bất động sản bị hạ thấp; Thứ năm là thiếu sự can thiệp kịp thời hợp lý của cơ quan quản lý Nhà nước với thị trường.

Qua những kinh nghiệm như vậy và diễn biến thị trường 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Xây dựng có đánh giá và dự báo thị trường bất động sản nước ta thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn và nguồn cung tiếp tục bị hạn chế, cơ cấu sản phẩm vẫn còn chưa phù hợp trong khi khu cầu của người dân đối với phân khúc thấp, trung bình còn rất lớn".

DiaOcOnline.vn – Theo VTC