Những căn nhà xã hội đầu tiên chỉ còn vài tháng nữa là hoàn thành song tiêu chí để xác định người được mua, thuê vẫn chưa có hoặc chưa rõ ràng. Tình trạng này khiến một số doanh nghiệp lo lắng quỹ nhà xã hội xây dựng xong có khi lại bị... bỏ hoang.
Một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội sẽ hoàn thành trong 2 tháng tới |
Dài cổ ngóng quy định
Cũng giống như một số khu nhà cho người thu nhập thấp được hoàn thành cách đây vài năm, quỹ nhà xã hội đang gấp rút xây dựng tại các địa phương đang đứng trước nguy cơ bị bỏ trống. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do sự chậm trễ trong việc ban hành chính sách quy định về bán, cho thuê, quản lý nhà ở xã hội của các địa phương. Một số doanh nghiệp đang triển khai dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội cho biết, chỉ còn vài tháng nữa là nhà xong khâu hoàn thiện nhưng tới giờ nhà đầu tư vẫn không dám nhận hồ sơ hay đơn đăng ký mua nhà bởi còn phải chờ quy chế!
Kết quả, đến nay, vẫn chưa có được một căn nhà xã hội nào được bán dù doanh nghiệp rất muốn sớm thu hồi vốn. Điển hình như dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại khối nhà chung cư cao tầng CT1, CT2 thuộc dự án khu dân cư Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông do liên danh Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty CP Xây dựng Vinaconex 21 làm chủ đầu tư. Mặc dù đã sắp hoàn thành nhưng cho đến nay, do thành phố chậm trễ trong việc ban hành quy định về tiêu chí xem xét đối tượng mua nhà theo thẩm quyền nên hai khu cao tầng này vẫn chưa được bán.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tình trạng ách tắc này có thể là do địa phương vẫn muốn can thiệp vào việc bán căn hộ của các doanh nghiệp xây dựng hoặc chính quyền chưa làm hết trách nhiệm của mình. Trong quy định về việc chấm thang điểm xét duyệt đối tượng mua nhà, Bộ Xây dựng đã xác định các tiêu chí lựa chọn chung tới 90/100 điểm. 10 điểm còn lại sẽ do địa phương quy định. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các địa phương vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chấm 10 điểm còn lại như thế nào. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân mà bản thân doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng ứ đọng vốn do không thể bán được sản phẩm.
Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, sở dĩ Bộ Xây dựng để lại 10 điểm cho các địa phương tự quyết căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng vùng mà các cơ quan Trung ương chưa tính hết. Chẳng hạn, có địa phương sẽ ưu tiên xem xét thêm về đối tượng thương binh, liệt sỹ, những người tàn tật hoặc những gia đình gặp rủi ro lớn... Trước sự chậm chạp của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đang xem xét về việc sẽ khống chế thời gian ban hành văn bản nói trên, khai thông tình trạng bế tắc hiện nay ở các dự án nhà ở xã hội.
Không đóng thuế thu nhập được ưu tiên
Tuy nhiên, từ phía các địa phương, cũng có ý kiến cho rằng, một số tiêu chí do Bộ Xây dựng đưa ra chưa rõ ràng, khiến địa phương gặp khó trong việc xây dựng chính sách. Chẳng hạn như thế nào là người có thu nhập thấp, do không có con số thu nhập cụ thể do Bộ quy định nên một số nơi loay hoay, không biết xác định tiêu chí này như thế nào.
Trước thắc mắc này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, việc xác định tiêu chí thế nào là người thu nhập thấp sẽ được quy định thống nhất trong Thông tư hướng dẫn về đối tượng mua nhà ở xã hội dự kiến được Bộ Xây dựng ban hành trong tháng 8. Theo đó, những người không phải đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ được coi là đối tượng thu nhập thấp. Như vậy, một người đi làm có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng (chưa tính giảm trừ gia cảnh) sẽ được coi là người có thu nhập thấp trong tiêu chí xét đối tượng mua nhà ở xã hội.
Không chỉ phát sinh những vướng mắc từ khâu lập chính sách, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cảnh báo, tình trạng thiếu vốn, thiếu quỹ đất và công tác quản lý sau đầu tư cũng là những trở ngại cho việc triển khai chính sách nhà ở xã hội. Hiện nay, luật đã quy định, dự án phát triển đô thị phải quy hoạch đất ở để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nếu không hoạch định thật cụ thể, các địa phương sẽ chỉ tập trung vào việc đấu giá đất để thu tiền, chứ không bố trí đất xây dựng nhà ở xã hội.
Tương tự, việc quản lý nhà ở xã hội sau đầu tư cũng không hề đơn giản. Ông Nguyễn Trần Nam nói: “Xem xét, lựa chọn đối tượng được mua, thuê chỉ là một công đoạn, sau đó còn là công tác bảo trì, bảo dưỡng, rồi việc mua - bán, chuyển nhượng tiếp đó phải được quản lý chặt như thế nào để không phát sinh tiêu cực... Đây là những vấn đề khó cần nhanh chóng tháo gỡ nếu muốn chính sách nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống”.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: