Cứ 10 người Singapore thì có chín người ở trong căn nhà mà họ sở hữu, biến đảo quốc này thành quốc gia duy nhất trên thế giới có tỉ lệ người dân sở hữu nhà ở gần như tuyệt đối.
Ghi nhận của TTCT từ chuyến thăm Cục Phát triển nhà ở xã hội quốc gia Singapore.
Khu Bukit Merah (Singapore), nơi tập trung các dự án nhà ở xã hội với đủ kiểu nhà từ năm 1960-2000 |
Aw Xiuxing đang cùng chồng hoàn tất những trang trí cuối cùng cho căn hộ cô mới mua. Họ rất háo hức với căn nhà mới - cách trung tâm thành phố Singapore khoảng năm ga xe điện ngầm - mà họ dự định sẽ dọn vào ở cuối tháng 7 này. Với mức lương của một công chức nhà nước và ở tuổi 28, căn hộ chung cư 84m2 đó sẽ chỉ là ước mơ với gia đình Xiuxing nếu không có Cục Phát triển nhà ở xã hội quốc gia (HDB). “Căn nhà có giá 380.000 SGD (khoảng 272.000 USD). Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có ngần ấy tiền một lúc để sở hữu nó nếu như không có sự giúp đỡ của HDB” - Xiuxing nói với phóng viên TTCT.
Nghĩ về mái ấm cho dân
HDB được thành lập ngày 1-2-1960, trực thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore. Sự ra đời của HDB cũng đánh dấu sự ra đời của chính sách nhà ở xã hội tại đảo quốc này. HDB vận động liên tục cùng với đòi hỏi về nhà ở xã hội của người dân Singapore theo từng thời kỳ khác nhau.
(Cục Phát triển nhà ở xã hội quốc gia) |
Hệ thống đầu tư và phân phối nhà ở xã hội của Singapore đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới trong nửa thế kỷ qua, với HDB là nòng cốt. Thống kê từ chính quyền cho thấy hiện hơn 80% dân số Singapore sống trong khoảng 900.000 căn hộ chung cư do HDB cung cấp.
Xiuxing cho biết để mua lại căn nhà từ người chủ cũ, cô chỉ phải trả khoảng 10% tiền đặt cọc cho căn hộ. HDB thanh toán phần còn lại cho chủ nhà và hai vợ chồng cô sẽ làm việc để trả nốt khoản tiền còn thiếu cho HDB, dự kiến là trong 30 năm nữa. Chính phủ Singapore, thông qua Quỹ tiết kiệm trung ương, yêu cầu người lao động đóng một khoản tiền trung bình tương đương 20% thu nhập hằng tháng và người sử dụng lao động đóng thêm 13% để trả tiền mua nhà cho HDB. “Điều đó đồng nghĩa trong 30 năm tới tôi và chồng sẽ phải cố gắng làm việc hơn để có thể trả hết tiền mua nhà, nhưng chúng tôi hạnh phúc vì có một mái ấm riêng” - Xiuxing không giấu vẻ phấn khởi.
Từ những làng chài đánh cá của thập niên 1960 với điều kiện sống chỉ ở mức tối thiểu đến một Singapore hiện đại có chất lượng cuộc sống vào loại bậc nhất châu Á ngày nay là một nỗ lực rất lâu dài của chính quyền, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở. Ông Tay Boon Sun - giám đốc đối ngoại của HDB - kể lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của tổ chức này trong việc mang đến nơi trú ngụ cho người dân Singapore: “Những năm 1960 nhu cầu nhà xã hội rất lớn, chúng tôi tập trung vào các dự án đại trà với số lượng lớn. Lúc này chất lượng nhà chưa được chú ý lắm, thuần túy là lặp lại những thiết kế ở các khu đất khác nhau. Giai đoạn 1970-1980, chúng tôi vẫn chú trọng số lượng nhưng bắt đầu để ý đến chất lượng hơn, các khu dân cư bắt đầu khác nhau, có những đặc điểm riêng. Những năm 1990 là quá trình quy hoạch lại những khu dân cư cũ, quan tâm hơn cuộc sống tiện nghi, tiết kiệm năng lượng. Còn hiện giờ, những năm 2000, ưu tiên số một của chúng tôi khi khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng là làm sao để nhà ở xã hội vẫn còn sức hấp dẫn với người dân, cung cấp những giải pháp và ý tưởng mang tới môi trường sống thật tốt để họ có thể tự hào về ngôi nhà của mình”.
Vậy đâu là bí quyết để thực hiện thành công khối lượng công việc khổng lồ đó? “Theo tôi, có ba điều cơ bản: Thứ nhất, nguồn vốn đầu tư phải từ chính phủ, vì các công ty tư nhân tập trung cho lợi nhuận sẽ không thiết tha với các dự án nhà ở xã hội. Thứ hai, cần một quy hoạch tổng thể đủ hấp dẫn với người dân. Thứ ba, có những quy định chặt chẽ để nhà ở xã hội đến được với đúng những người cần nhà ở. Tất nhiên, toàn bộ quá trình đó phải diễn ra minh bạch, rõ ràng và cần rất nhiều nỗ lực từ chính quyền” - ông Tay chia sẻ và nói thêm: “Chúng tôi rất tự hào với những gì mình đã làm được, mang đến mái ấm cho người dân Singapore”.
Chính quyền chấp nhận chịu thiệt
HDB có nhiều quy định rất chặt chẽ để đảm bảo từng loại nhà ở xã hội đến được đúng đối tượng. Ví dụ, những điều kiện để mua nhà trực tiếp từ HDB bao gồm: người mua nhà phải là công dân Singapore, từ 21 tuổi trở lên, phải hình thành một gia đình hạt nhân (vợ chồng, cha và con, mẹ và con, anh em ruột...), tổng thu nhập của hộ gia đình không cao hơn 8.000 SGD (khoảng 5.700 USD) và chưa sở hữu căn nhà nào khác.
Điểm mấu chốt trong chương trình nhà ở xã hội Singapore là chính quyền phải chấp nhận chịu thiệt (đầu tư trước từ ngân sách, quỹ đất sẵn có và tiến độ thanh toán dài) để có nhà cho dân ở. Không thể có chuyện làm nhà ở xã hội mà đòi hòa vốn hoặc có lời để thu hút tư nhân vì điều tư nhân quan tâm chỉ là lợi nhuận.
Sau cùng, “cụ thể, chi tiết và minh bạch” là ba nguyên tắc cơ bản giúp quá trình phân phối nhà ở xã hội của HDB trở nên công bằng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân. Với từng dự án nhà ở xã hội, HDB sẽ cho phép những người đủ điều kiện đăng ký công khai và một danh sách chờ sẽ được thiết lập.
Làm như thế nào khi nguồn vốn ngân sách eo hẹp?
Xây nhà giá rẻ, không thiết kế cầu kỳ, lặp lại các căn hộ tiện ích ở các dự án khác nhau.
Tận dụng tốt quỹ đất công và quy hoạch tổng thể thông qua Cục Tái thiết đô thị (URA). Đây là vấn đề sống còn với Singapore cũng như bất cứ thành phố đất chật người đông nào khác. Vấn đề quản lý quỹ đất minh bạch, với những khu đất công dành cho nhà ở xã hội được đền bù thỏa đáng nhưng không phải với mức giá vô lý, bằng ngân sách.
Đất đai ở Singapore cũng thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý. Khi bán hoặc mua đất, chính quyền đều thông qua URA, cơ quan vừa làm công tác định giá, môi giới, quản lý và quy hoạch sử dụng đất trên toàn lãnh thổ Singapore. Với các dự án nhà ở tư nhân, khách sạn, thương mại, thời gian bán quyền sử dụng là 99 năm, dự án công nghiệp thường là 60 năm. Với cái nhìn tổng thể, URA có thể quy hoạch các khu đất cần thiết để xây nhà ở xã hội và chuyển giao cho HDB đầu tư.
Vấn đề quyết định không phải là vốn mà là sự minh bạch và công bằng. Khi chính quyền đảm bảo các căn nhà có chất lượng sống tốt hơn cho người dân, một chính sách phân phối rõ ràng với các tiêu chí cụ thể (đặc biệt về mức trần thu nhập) thì người dân sẽ ủng hộ.
Minh bạch
Singapore có một cơ quan riêng chuyên về quy hoạch và thu hồi đất công là Cục Tái thiết đô thị. Cơ quan này sẽ tập hợp đất để xây các dự án nhà ở xã hội và chuyển giao cho HDB.
HDB, với vốn ngân sách, đứng ra làm chủ đầu tư các dự án này, xây nhà với chi phí thấp và bán lại cho người dân. Ưu tiên số một của HDB là làm sao để người dân Singapore có nhà ở chứ không phải là lợi nhuận như các nhà đầu tư tư nhân. Sau khi dự án đã được đầu tư, HDB bắt đầu “mở bán” cho người dân, với những hỗ trợ rất lớn từ ngân sách để giãn tiến độ trả tiền lên tới 30 năm cũng như thành lập Quỹ tiết kiệm trung ương trừ thẳng vào lương của người mua nhà (trung bình 20% mỗi tháng). Người mua không được bán căn nhà của HDB trong năm năm đầu tiên. Sau đó khi có nhu cầu bán lại nhà, họ sẽ phải bán qua HDB để cơ quan này cung cấp căn nhà đó cho người khác có nhu cầu. Quá trình mua trả góp sẽ được tiếp tục, chứ không được bán ra ngoài thị trường.
Nhà ở xã hội tại Singapore có năm loại cơ bản và để đăng ký mua mỗi loại nhà lại có những điều kiện khác nhau. Quá trình xây dựng các tiêu chí này rất linh hoạt và được củng cố qua hàng thập niên hoạt động của HDB. Hệ thống phân phối dựa trên các tiêu chí đó và nhu cầu thật sự của người dân, trung bình mất ba năm rưỡi để một người có được ngôi nhà mà họ đăng ký mua. Với hoạt động minh bạch của cả guồng máy, không có chỗ cho những việc làm mang tính tư lợi.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: