Top

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng

Địa chỉ: 186 Trần Phú, P.Phước Ninh, Hải Châu, Đà Nẵng

Điện thoại: 84.511.387 2213        Fax: 84.511.387 2213

E-mail: info@ndn.com.vn         Website: www.ndn.com.vn

Phát triển nhà ở xã hội: Tìm nguồn vốn ở đâu?

Cập nhật 23/04/2010 08:10

Bộ Xây dựng đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tìm nguồn vốn vay ưu đãi đối với các dự án phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại một số địa phương. Hiện nay, việc triển khai chính sách nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (KCN) và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đang gặp khó khăn về vốn đầu tư.

Nhà cho người thu nhập thấp: Khát vốn để đầu tư

Sau khi Nhà nước ban hành các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, một năm trở lại đây, cả nước đã có 263 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị được đăng ký, với tổng mức đầu tư hơn 72.700 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 69.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 264 dự án nhà ở cho công nhân các KCN cũng được đăng ký, với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ các thành phần kinh tế hơn 53.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng dự án được khởi công lại chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

Trong khi nhà ở công nhân mới có 24 dự án được khởi công, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 753.000m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 125.000 lao động tại các KCN, thì nhà ở cho người thu nhập thấp mới có 31 dự án khởi công, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 655.000m2, giải quyết chỗ ở cho khoảng 55.000 người sau khi hoàn thành. Điều đó có nghĩa giấc mơ về một chốn an cư của người thu nhập thấp vẫn còn khá xa vời.


Một trong số nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: Anh Phan

Sở dĩ có tình trạng trên là do các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và nhà ở cho công nhân KCN không được đầu tư từ vốn ngân sách, mà chủ yếu huy động từ các thành phần kinh tế. Vì vậy, khi nền kinh tế nói chung chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những dự án này cũng phải chịu sự ảnh hưởng nhất định. Đã vậy, chủ đầu tư khó có thể huy động vốn ứng trước của người mua như dự án nhà ở thương mại. Thêm vào đó, cơ chế khuyến khích, ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn... vẫn chưa hấp dẫn doanh nghiệp (DN), vì thực tế đầu tư cho nhà xã hội chi phí lớn, lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài.

Có DN từng xây dựng nhà cho người thu nhập thấp thừa nhận, nếu không khai thông được nguồn vốn ưu đãi, DN khó khởi công nổi dự án nhà xã hội. Mặt khác, theo phản ánh của một số DN, việc chậm khởi công dự án nhà ở xã hội còn do địa phương phải điều chỉnh quy hoạch để bố trí quỹ đất cho dự án nhà ở xã hội gắn với dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới (tỷ lệ tối thiểu theo quy định là 20% diện tích dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới). Trình tự thủ tục đầu tư chưa được thông thoáng, thậm chí có địa phương còn gây khó cho nhà đầu tư.

Nhà ở sinh viên: Cái khó bó tay chân


Với nhà ở cho sinh viên, do sử dụng vốn ngân sách nên số lượng dự án khởi công chiếm tỷ lệ đáng kể hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khả năng cân đối vốn trái phiếu Chính phủ chưa thể đáp ứng hết. Năm 2009 vốn cân đối chỉ đạt 3.500 tỷ đồng, vì thế chỉ tập trung ưu tiên cho 28 địa phương, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (có 10.000 sinh viên trở lên).

Kế hoạch năm 2010, dự kiến bố trí khoảng 4.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở cho sinh viên, song khả năng cân đối ở thời điểm này cũng chưa đáp ứng đủ. Nguồn vốn trái phiếu đã được phân bổ là 2.000 tỷ đồng, mới chỉ giao cho dự án đã khởi công trong năm 2009 nhằm sớm đưa các dự án này vào hoạt động. Vì vậy, những địa phương có số sinh viên dưới 10.000 người hoặc chưa chuẩn bị kịp dự án chưa được phân bổ vốn.

Tìm vốn cho doanh nghiệp?


Bộ Xây dựng đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tìm nguồn vốn vay ưu đãi đối với các dự án phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp, trước mắt dành cho một số địa phương trọng điểm. Dự kiến, DN được hỗ trợ vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, với lãi suất thấp, thời hạn vay dài trên 10 năm để gỡ bí về vốn cho DN, thúc đẩy tiến độ dự án nhà ở xã hội nhanh hơn.

Với nhà ở cho sinh viên, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai các dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Qua tổng hợp đề xuất của các địa phương, nhu cầu nhà ở cho sinh viên rất lớn. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ cùng các ngành tổng hợp danh mục dự án đối với địa phương chưa được phân bổ vốn, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung, bảo đảm công bằng giữa các địa phương.

Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng tổng hợp, đánh giá chung và đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ cho vay đầu tư khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng không lãi để thúc đẩy DN xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN trên địa bàn thành phố.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới