Top

Tổng Công ty CP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh

Địa chỉ: 7/1 Thành Thái, P.14, Quận 10, TP.HCM

Điện thoại: 84.8.6264 9118        Fax: 84.8.6264 9117

E-mail: diaoc@hagl.com.vn         Website: www.hagl.com.vn

Chiêu giảm giá BĐS của Hoàng Anh Gia Lai giống như miếng “mồi nhử”?

Cập nhật 29/06/2012 08:25

Theo đánh giá của một cán bộ ngân hàng trong nước: Việc giảm giá tới 50% bất động sản tại Tp. HCM của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có tác động ở một góc độ nào đó, như một “mồi nhử”, là cái mớm ban đầu dẫn tới một làn sóng bán tháo BĐS, có lợi cho người dân mua nhà.

Chiêu giảm giá của HAGL chưa đủ sức phá băng thị trường BĐS

Trước đó, như đã chia sẽ, Thạc sĩ Nguyễn Lê Ngọc Hoàn - Giảng viên Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Mở TP HCM đã đưa ra quan điểm: “Việc người mua bắt đầu rục rịch tính kênh đầu tư bất động sản, ngoài lý do lãi suất hạ còn do những cú đại hạ giá đột ngột trên thị trường của một, hai doanh nghiệp (DN) dẫn đầu như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), kéo theo nhiều DN khác cũng phải bắt buộc xuống giá.

Bỏ qua lý do nội tại dẫn đến việc Hoàng Anh Gia Lai buộc phải giảm giá 50% các căn hộ, trước mắt, theo tôi nền kinh tế và người dân cũng nên cảm ơn… doanh nhân Đoàn Nguyên Đức vì đợt đại hạ giá một cách bất ngờ vừa qua”.

Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế, tài chính Nguyễn Minh Phong lại nhấn mạnh: “Đấy chỉ là giảm giá để bán được hàng, theo yêu cầu của bản thân doanh nghiệp thôi, chứ chưa tới cái giá cần phải hạ”.

Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế, tài chính Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: Việc giảm giá BĐS của HAGL mới chỉ là giảm giá để bán được hàng, theo yêu cầu của bản thân doanh nghiệp thôi, chứ chưa tới cái giá cần phải hạ.

Theo TS. Phong: Trong vòng trên dưới 1 năm vừa qua, bất động sản tăng chóng mặt lên gấp vài lần, hiện tại, HAGL mới giảm được 50% tức là mới giảm được 2 lần vẫn còn 2 lần nữa. Như vậy, TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng: Việc giảm giá BĐS của HAGL, mức giảm chỉ ở mức độ tương đối chứ chưa phải cần thiết.

Tuy vậy, cũng như nhiều chuyên gia khác, ông Phong đánh giá cao những đợt giảm giá của bất kỳ doanh nghiệp địa ốc nào như HAGL đã tạo ra áp lực cho những đợt giảm cắt tiếp sau.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Một cán bộ ngân hàng cho rằng: “Một mình dự án của HAGL không ảnh hưởng quá lớn tới cả thị trường BĐS như thế”. Theo vị cán bộ này: Ở một góc độ nào đó, việc giảm giá của HAGL như một “mồi nhử”, là “cái mớm” ban đầu dẫn tới một làn sóng bán tháo BĐS, tất nhiên là sẽ có lợi cho người mua nhà.

“Nói chung đó là tình trạng chung vì sức cầu rất yếu” – vị cán bộ này kết luận. Trước đây, giá BĐS vượt xa giá trị thực, đã từng xảy ra bong bóng trên thị trường BĐS cả một thời gian dài.

“Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nhiều người không có khả năng tài chính để đảm bảo việc mua nhà của họ, còn những người đầu cơ trước đây đã vay mua nhà không thể bán được để luân chuyển đồng tiền vốn. Do đó, cầu thì ít mà cung nhiều, nhiều doanh nghiệp BĐS phải chấp nhận lỗ để bán đi, luân chuyển vốn, thanh toán khoản nợ đến hạn. Nếu không giảm giá, không bán được hàng còn nghiêm trọng hơn, bởi rất nhiều hệ lụy sẽ xảy ra, hơn cả việc chấp nhận một phần lỗ. Đó là điều đơn giản trong kinh doanh, nhu cầu tất yếu về cung – cầu” – vị cán bộ ngân hàng trên nói.

Dân vay tiền mua nhà: không phải người có nhu cầu thật

Khảo sát tín dụng ở một số ngân hàng (NH) trên địa bàn TP HCM cho thấy hai mức lãi suất cho vay thuộc hai nhóm sản xuất và phi sản xuất nay đã không còn chênh lệch lên tới 5-7% như năm 2011. Thậm chí, ở một số NH đang có các chương trình hỗ trợ vay mua địa ốc, tiêu dùng, lãi suất còn “dễ thở” và điều kiện để xét hồ sơ cho vay cũng ít ngặt nghèo hơn so với lãi suất cho vay dành cho khách hàng tổ chức, DN. Thậm chí, ở một số nơi, người vay còn được hưởng lãi suất 0% ở tháng đầu tiên. Hạn mức cho vay tại NH này lên tới 70% giá trị tài sản thế chấp.

Nhiều DN cho rằng, vay mua bất động sản hiện nay thậm chí còn… dễ hơn vay để đầu tư sản xuất kinh doanh.


Theo cán bộ của ngân hàng VP Bank: Người vay tiền mua nhà trong thời gian qua không phải là người có nhu cầu thật mà chủ yếu vẫn là người có tiềm lực tài chính, mua để tích lũy.

Cán bộ ngân hàng của BIDV giải thích: Ưu đãi vay mua bất động sản dễ vì giao dịch bất động sản hiện nay đang rất trầm lắng. Mà BĐS trầm lắng như vậy ảnh hưởng tới rất nhiều bên: chủ đầu tư tham gia bỏ vốn vào dự án mà không bán được hàng sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh mà ở đây chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng rót vốn vào dự án, không thu hồi được vốn thông qua việc bán nhà, có thể xảy ra khủng hoảng về mặt tài chính của ngân hàng.

Hơn nữa, nền kinh tế của Việt Nam đang khủng hoảng, sức cầu kém, do đó, việc tung ra các gói hỗ trợ cùng các chương trình ưu đãi, cho vay đối với các dự án mua nhà, bất động sản nhằm một phần nào đó kích cầu đối với nền kinh tế.

“Ngân hàng ưu đãi nhiều, gói kích cầu được đưa ra rất hấp dẫn cộng thêm giá nhà giảm, phù hợp hơn với túi tiền của người dân, chính vì vậy, khách hàng đến vay tại các ngân hàng rất nhiều” - Cán bộ ngân hàng của BIDV cho biết.

Tuy vậy, người vay mua địa ốc với nhu cầu thực lại cho rằng, họ không phải hoàn toàn dễ vay và cũng không hẳn được hưởng lãi suất ưu đãi như tên gọi của các chương trình ưu đãi mà nhiều ngân hàng đặt ra. Một số nhân viên ngân hàng cũng thừa nhận rằng: Đó chỉ là “chiêu” mà các ngân hàng tung ra để câu khách, kích thích những người có tiềm năng về tài chính thực sự.

“Khi tài trợ vốn, cũng như khi cho vay ưu đãi, ngân hàng luôn yêu cầu điều kiện về khả năng thu hồi được vốn chứ không phải ai muốn cũng vay được. Những người không có khả năng thanh toán cả gốc, cả lãi cũng như không có tài sản thế chấp, họ muốn vay cũng không được. Hồ sơ vay phải chứng minh được anh có năng lực tài chính, có nhân thân tốt,… để ngân hàng có thể tin tưởng… Không phải vay hỗ trợ là vay tràn lan” – một cán bộ ngân hàng khẳng định.

Cho vay BĐS hiện nay đang rất thận trọng chứ không phải mở bung như mọi người vẫn nghĩ.

Thành viên đang làm việc tại VP Bank cũng nhấn mạnh: Cho vay BĐS hiện nay đang rất thận trọng chứ không phải mở bung. Bởi lẽ, vay mua nhà cần đòi hỏi phải thế chấp mà thế chấp chủ yếu bằng bất động sản, trong khi đó, phía các ngân hàng lại đang ứ đọng bất động sản, không ít ngân hàng dở khóc dở cười vì “ôm” vào hàng loạt đống đất bỏ hoang.

“Tính tới thời điểm này, việc mua theo kiểu dự án trả góp ít vì giao dịch vẫn chậm, phần lớn các khách hàng mua nhà có sẵn, mua tích lũy. Do đó, các khách hàng vay trong thời gian vừa qua chủ yếu là cá nhân - những người có tiền, có khả năng tích lũy cho bản thân, chứ không phải những người có nhu cầu thật” – cán bộ ngân hàng VP Bank cho biết.

Theo vị cán bộ này giải thích: “Giá nhà đất vẫn chưa phải giá gốc cho những người có nhu cầu thật để có thể mua. Những người dân thường có số tiền tích góp chừng 1 tỷ, mua nhà vẫn rất khó, ít nhất phải tầm 2 tỷ. Trong khoảng 100 món vay thì chỉ khoảng 5 – 10 món của những người có nhu cầu mua nhà thật, nói chung là tỷ lệ này rất ít” – cán bộ của VP Bank nhận xét.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Giáo Dục VN