Top

Tập đoàn Nam Cường

Địa chỉ: 70 Linh Lang, P.Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 84.4.3832 7643 - 3766 4555        Fax: 84.4.3766 2438

Website: www.namcuong.com.vn

“Sốc” với nhà giá gốc

Cập nhật 14/11/2009 09:10

Trong lúc thị trường nhà đất đang sốt, việc chủ đầu tư bán hàng giá gốc ngay lập tức đã thu hút được rất nhiều người tham gia. Thế nhưng, người mua sững sờ khi hầu hết giá gốc tại các dự án đều ở mức… trên trời.

Chiêu mới hấp dẫn

Nếu nói đến hình thức mua bán này ở Hà Nội thì trước tiên phải kể đến các dự án như Usilk City của Công ty cổ phần Sông Đà – Thăng Long hay Tricon của Công ty Cổ phần đầu tư Minh Việt.

 

Chỉ có 900 người lọt vào vòng trong tham gia bốc thăm 300 căn hộ nên rất nhiều khách hàng đến Công ty Nam Cường đăng ký đã phải thất vọng chờ đợt bốc thăm lần sau. (Ảnh: Phương Anh)


Tuy các dự án nằm khá xa trung tâm nhưng giá khởi điểm rất cao, từ 1.800–2.000 USD/m2 tại Usilk City và 1.400 đến hơn 2.000 USD/m2 tại Tricon, quá cao so với mong đợi của nhiều người nên lúc bán hàng, chỉ có đông người đến xem, chứ người mua chẳng có mấy.

Trái ngược với các dự án trên, dự án căn hộ tại Khu đô thị Dương Nội do Nam Cường làm chủ đầu tư, ngay trong đợt đầu tiên đã thu hút được hàng nghìn người đăng ký mua hàng. Đông đến nỗi Nam Cường đã phải chọn ngẫu nhiên ra 900 người để tổ chức bốc thăm mua 300 căn hộ.

 

Xếp hàng vào nộp phiếu bốc thăm quyền góp vốn mua nhà tại Dự án đô thị Dương Nội. Ảnh Phương Anh

 
Sau “hiện tượng” Nam Cường, mới đây, dự án tổ hợp cao ốc căn hộ và văn phòng Indochina Plaza Hà Nội (IPH) do chủ đầu tư là Indochina Capital cũng bán hàng với giá gốc tới tay khách hàng.

Tại điểm bán hàng của Indochina Land trên tầng 2, toà nhà HITC (Cầu Giấy, Hà Nội) trong ngày đầu tiên bán hàng, có hàng trăm người mua đã phải chen lấn, xô đẩy để được đăng ký mua nhà.

Theo anh Phạm Huỳnh Long, chuyên viên bán hàng của dự án này, chỉ trong hai ngày đầu bán hàng, hơn 80% căn hộ trong toàn bộ dự án đã được bán hết. Con số này sẽ còn cao hơn nếu công ty không huỷ nhiều hợp đồng góp vốn do người đăng ký đến nộp tiền đặt cọc muộn hơn so với quy định.

Giá gốc lên đến 100 triệu/m2!

Thông tin các chủ đầu tư bán hàng giá gốc, trực tiếp khiến lượng người có nhu cầu tìm đến đăng ký rất đông. Thế nhưng, với mức giá gốc chủ đầu tư đưa ra quá cao đã khiến nhiều người hụt hẫng.

Anh Nguyễn Trí Huân, nhà tại phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), khách hàng đến đăng ký bốc thăm đợt hai tại sàn giao dịch của Công ty Nam Cường, cho biết mức giá từ 800–1.200 USD/m2 do chủ đầu tư đưa ra là quá cao so với một khu đô thị xa trung tâm cả chục km như Dương Nội.

 

Lùng sục mua nhà. (Ảnh: Phương Anh)

 

Anh Nguyễn Viết Hưng, ở quận Đống Đa, người đến đăng ký mua nhà tại dự án Indochina Plaza Hà Nội cũng cho rằng, mức giá khởi điểm thấp nhất tại dự án này lên đến 2.500 USD/m2 (chưa tính thuế) là quá cao. Nếu cộng cả thuế thì căn hộ giá thấp nhất tại đây cũng xấp xỉ 50 triệu đồng/m2, còn cao nhất trên dưới 100 triệu đồng/m2.

Mức giá khởi điểm cao như thế, nhưng ngay sau ngày bán hàng đầu tiên, căn hộ tại dự án đã có người rao bán với mức chênh lệch gần 200 triệu đồng/căn (!).

Giải thích việc chủ đầu tư đưa ra mức giá gốc rất cao, ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng giám đốc Nam Cường cho biết, là vì tập đoàn đã tính vào đó cả giá trị thương hiệu.

Theo ông Việt, trước kia, nhiều chủ đầu tư bán căn hộ với giá gốc dưới 10 triệu đồng/m2, nhưng đã có lãi khoảng 20%. Tuy nhiên, những căn hộ giá rẻ ấy chủ yếu lọt vào tay nhà đầu cơ. Sau này, những căn hộ ấy đã bị đẩy lên đến mười mấy, rồi hai mấy triệu mỗi mét.

Chính vì sống trong những căn hộ với giá khởi điểm rất rẻ và phải mua giá rất đắt nên người ta mới phải chịu cảnh vữa trần rơi trong nhà.

Ông Đặng Văn Quang, Công ty Nghiên cứu thị trường BĐS Jonhs Lang Lasals Việt Nam, cho biết, việc các chủ đầu tư bán hàng giá gốc trực tiếp tới người tiêu dùng tuy khiến nhiều người bị sốc vì giá cao, nhưng nó chứng tỏ thị trường đang dần minh bạch hơn.

Vì vậy, việc chủ đầu tư có định giá sản phẩm bán ra cao để tối ưu hoá lợi nhuận thì người tiêu dùng cũng phải chấp nhận, nếu đấy là mức giá thị trường.

Ông Trịnh Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kiến tạo địa ốc Kova (Kova Land) lại cho rằng, việc bán hàng giá gốc trực tiếp tới tay người có nhu cầu chính là một cách làm thương hiệu của chủ đầu tư.

Thay vì bán hàng qua môi giới, trong lúc thị trường đang nóng và khan hàng, chủ đầu tư đã định giá bán khá cao để tối đa hoá lợi nhuận. Cách bán hàng mới này khá hay, đã hạn chế được khâu trung gian lại khiến thị trường rõ ràng, minh bạch hơn nhiều.

Thế nhưng, trong khi người mua hàng kéo đến rất đông, nhiều người tưởng mua được hàng giá gốc, nghĩa là giá rẻ, nhưng sự thật là họ đang phải mua hàng với giá của thị trường.

Cũng theo ông Minh, tình trạng tranh mua nhà “giá gốc” xảy ra tại một số dự án tại Hà Nội hiện nay vì nguồn cung hàng tại thị trường này quá ít.

Một khi nguồn cung hàng nhiều hơn thì người mua hàng sẽ có cơ hội lựa chọn. Đến khi ấy, các chủ đầu tư chắc chắn sẽ phải điều chỉnh giá đi xuống để thu hút khách hàng đến với dự án của mình.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet