Quy hoạch khu Chợ Lớn (TP.HCM) không chỉ đáp ứng về mặt quản lý đô thị mà còn gìn giữ những ngôi nhà cổ, những con đường và các giá trị phi vật thể khác.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa báo cáo lên UBND TP.HCM về dự án “Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn”. Lãnh đạo các cấp có liên quan đánh giá cao đề án nhưng thực tế còn rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.
Một góc khu chợ Bình Tây, quận 6 TP.HCM
Ba khu vực làm điểm nhấn
Người dân sinh sống và làm việc tại khu vực chợ Bình Tây những ngày qua đang xôn xao về dự án bảo tồn và cải tạo khu phố Chợ Lớn. Theo dự án, khu phố cổ Chợ Lớn dự kiến rộng khoảng 68 ha, gồm các phường 10, 11, 13, 14 của quận 5 và phường 1, 2 của quận 6 và được giới hạn bởi các tuyến đường Tản Đà - Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương - Hồng Bàng - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Phú Hữu - Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Phan Văn Khỏe -Phạm Đình Hổ - Bãi Sậy - đại lộ Võ Văn Kiệt. Đây là một trong những khu vực phát tích của cả vùng đất Sài Gòn, vốn là địa điểm khu làng Minh Hương được thành lập cách đây hàng trăm năm.
Để thí điểm, Công ty tư vấn DCU (Tây Ban Nha) chọn 3 khu vực để nghiên cứu sâu, tạo điểm nhấn cho không gian khu phố cổ Chợ Lớn. Theo đó, khu vực 1, rộng 4,2 ha, được giới hạn bởi các tuyến đường Tháp Mười - Lê Tấn Kế - kênh Hàng Bàng - Bãi Sậy - kênh Hàng Bàng -Trần Bình. Tại đây, sẽ tăng diện tích không gian cho chợ Bình Tây, nâng cấp quảng trường phía trước chợ, mặt đường cho người đi bộ, sắp xếp bãi đậu xe và phân bố hợp lý các tuyến giao thông. Đối với kênh Hàng Bàng sẽ được nạo vét, cải tạo để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Đối với khu vực 2, rộng khoảng 4,6 ha, được giới hạn bởi các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương - Nguyễn Trãi - Lương Nhữ Học - Trần Hưng Đạo. Đây là nơi có nhiều đình, chùa, hội quán, mang nét đặc trưng của người Hoa như chùa Tam Sơn, đình Minh Hương, hội quán Phú Nghĩa... và nhiều lễ hội mang tính đặc trưng riêng như Tết Trung Thu, Nguyên Tiêu, lễ chùa Thiên Hậu, Quan Âm... Vì vậy, dự án sẽ nhấn mạnh giữ gìn và củng cố các di sản văn hóa. Một số tuyến đường sẽ trở thành phố đi bộ gồm đường Nguyễn Án và Phú Định. Đường Triệu Quang Phục sẽ trở thành xương sống, hai bên hành lang xây dựng phố đi bộ, phía giữa đường hạn chế giao thông, có điểm đỗ xe hai bên.
Đối với khu vực 3, rộng khoảng 5,2 ha, được giới hạn bởi các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông - Vạn Kiếp - Đại lộ Võ Văn Kiệt. Với mục tiêu tạo môi trường phát triển mới, tạo vùng đệm giữa dải phát triển và khu vực di sản bảo tồn, phía mặt tiền đường Võ Văn Kiệt sẽ được phép xây nhà cao tầng, còn phía trong từ đường Trần Văn Kiều trở vào sẽ trở thành khu cách ly có kiểm soát chiều cao.
Ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Trung tâm cùng với đơn vị tư vấn (Công ty DCU, Tây Ban Nha) tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về phạm vi bảo tồn, những địa điểm chọn làm bảo tồn, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của người dân, trước khi trình để thành phố phê duyệt.
Đa số người dân ủng hộ
Qua tiếp xúc với nhiều người dân ở khu vực Chợ Lớn, chúng tôi ghi nhận đa số người được hỏi đều cảm thấy vui mừng khi khu phố cổ ở Chợ Lớn được bảo tồn. Những người sống lâu năm ở đây cho biết, sự phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch đã làm cho khu vực Chợ Lớn trở lên nhếch nhác; nhiều nhà cổ, đền thờ, chùa bị xâm hại nghiêm trọng.
Bà Lê Thị Yến Ngọc (50 tuổi, P.2, Q.6) là chủ của một gian hàng trước chợ Bình Tây cho biết, lúc đầu khi mới nghe về dự án quy hoạch ở khu Chợ Lớn, bà không hiểu rõ lắm, tưởng là quy hoạch thì phải thu đất, sau khi được nghe giải thích là quy hoạch để bảo tồn khu phố cổ thì bà hoàn toàn đồng ý. Bà nói: “Khi những giá trị văn hóa cổ được bảo tồn thì khách du lịch đến đây cũng đông hơn, chúng tôi sẽ có điều kiện làm ăn buôn bán tốt hơn”. Còn ông Võ Công Lộc, chủ một tiệm bán thuốc Bắc trên đường Lương Nhữ Học (P.11, Q.5) tâm sự: “Trên tuyến đường này có rất nhiều ngành nghề truyền thống lâu đời nhưng chưa được phát triển để thu hút khách du lịch và người dân đến mua bán. Nếu làm tốt, tôi tin rằng đây sẽ là điểm du lịch, phố đi bộ trong những ngày lễ tết”.
Đa số người dân tại các khu phố nằm trong khu vực bảo tồn của dự án này khi được hỏi đều rất tự hào về những di tích hiện hữu và rất vui khi những căn nhà cổ của họ được bảo tồn. Tuy nhiên, những người dân ở đây cũng mong muốn, những căn nhà cổ không chỉ được bảo tồn bên ngoài mà sẽ được trùng tu cả bên trong, đồng thời cho phép họ sử dụng những căn nhà cổ vừa làm chỗ ở vừa để kinh doanh.
Bà Tô Thị Mỹ Lộc (P.10, Q.5) cho biết: “Chúng tôi rất vui và hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, nhất là bảo tồn, tôn tạo những căn nhà có giá trị lịch sử, trùng tu đình, chùa mang đậm nét văn hoá, tâm linh. Tuy nhiên, cần phải được khảo sát và nghiên cứu kỹ trước khi làm, vì dự án này ảnh hưởng tới không ít người dân”. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng cho rằng nếu đưa vào khu vực bảo tồn, nhà nước phải giúp đời sống người dân tốt hơn, còn không thì cứ giữ nguyên như hiện tại.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Sẽ có nhiều chính sách khuyến khích người dân chung tay bảo tồn các ngôi nhà cổ. Nhà nước sẽ có hỗ trợ tiền để phục hồi và cải tạo, miễn thuế kinh doanh hoặc cho vay ưu đãi. Ngoài ra, còn các chính sách hỗ trợ như hợp tác với các Hiệp hội gia tộc khu vực Chợ Lớn, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo tồn... Cơ quan quản lý bảo tồn sẽ có một bộ phận riêng để lo ngân sách cho việc bảo tồn này”.
Nhiều người dân cũng cho biết, vấn đề họ quan tâm nhất của dự án này là bảo tồn nhưng không ảnh hưởng tới thu nhập của các hộ gia đình. Họ cũng mong muốn quy hoạch nhưng không phải di dời cơ sở và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong khu vực này.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: