Top

Công ty Luật Thiên Bình

Địa chỉ: 2A Phùng Khắc Khoan, P.Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại: 84.8.3825 1716 - 3825 1718        Fax: 84.8.3825 1727

E-mail: info@libralaws.com         Website: www.libralaws.com

Làm sao để tách sổ hồng?

Cập nhật 14/10/2011 15:55

Nội dung câu hỏi:

Tôi dự định mua 1 căn nhà 4.5mx4.5m một trệt một lầu ở Phường Hiệp Thành, Quận 12, TPHCM. Đây là một phần của căn nhà số 175 HT3, P Hiệp Thành Quận 12 có sổ hồng, có bản vẽ hẳn hòi.

Người bán cho tôi coi giấy hợp đồng ủy quyền của chủ nhà số 175 này với người bán sử dụng trong vòng 20 năm, Giấy cam kết của chủ nhà trong trường hợp có quy định mới về cho tách sổ sẽ sẵn sàng đứng ra tách sổ cho người bán không đòi hỏi thêm quyền lợi khác.

Tôi xin hỏi giấy tờ như vậy đủ để giao dịch chưa?

Chân thành cảm ơn!


Ý kiến tư vấn pháp lý của Công ty Luật Thiên Bình:

Kính gửi: Quý bạn đọc

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vn và Công ty Luật Thiên Bình (“Libra”) xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi ngày 12.04.2011; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

Khoản 1, Điều 91 Luật nhà ở năm 2005 quy định nhà ở được tham gia thị giao dịch mua bán, cho thuê, thuê mua, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ và ủy quyền quản lý nhà ở khi thỏa mãn các điều kiện: Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật (“GCN”); Không có tranh chấp về quyền sở hữu; Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chúng tôi hiểu rằng, vì căn nhà mà bạn dự kiến nhận chuyển nhượng không đáp ứng được diện tích tối thiểu cho phép tách thửa theo quy định tại Điều 3 Quyết định 19/2009/QĐ-UBND ngày 25/2/2009 của UBND TP. Hồ Chí Minh quy định về diện tích tối thiểu sau khi tách thửa. Đối chiếu với các quy định tại Bộ Luật Dân sự và Điều 93 Luật Nhà ở 2005, chúng tôi thấy rằng việc các bên xác lập giao dịch thông qua hình thức ủy quyền là đã trái với bản chất của giao dịch và sẽ bị xem là vô hiệu. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 137 Bộ Luật Dân sự.

Vì vậy, trong trường hợp bạn vẫn muốn thực hiện giao dịch này, để hạn chế mọi rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, bạn cần phải thỏa thuận với chủ nhà (người đứng tên trên GCN) tiến hành thủ tục chuyển nhượng để bạn và chủ nhà là đồng chủ sở hữu theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật Dân sự 2005, sau khi các bên đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người..

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, bạn cần tham khảo Điều 4 Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và Khoản 2, Điều 5 Thông tư 20/2010/TT-BTNMT ngày 22/10/2010 của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về việc bổ sung về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc các tài sản khác gắn liền với đất.

***

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ đã dẫn hoặc qua số điện thoại 08.3500.1111 hoặc 0120.777.6789.

Trân trọng.

Chuyên mục Cafe Luật

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn