Top

Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển Doanh Nghiệp

Địa chỉ: 11 Phạm Hùng, P.Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 84.4.37687143        Fax: 84.4.37687140

E-mail: ecorio@gamigroup.com         Website: www.fbs.vn

Phòng xa cơn lốc vật liệu Trung Quốc

Cập nhật 31/10/2012 09:10


Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn
Thép tồn kho trong nước chất đống, song thép Trung Quốc vẫn tràn vào Việt Nam với tốc độ chóng mặt. Nếu không có giải pháp ứng phó, câu chuyện của ngành thép sẽ không là ngoại lệ trên thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam năm 2013, bởi nhiều ngành sản xuất của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng thừa.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 9 tháng đầu năm 2012, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt 137.500 tấn, cao gấp 5,5 lần so với cùng thời điểm năm 2011. Trong khi đó, vào năm 2010 con số này là 24.900 tấn và cả năm 2011 cũng chỉ đến 53.600 tấn.

Đáng chú ý là những sản phẩm này khi nhập khẩu vào đã lợi dụng chính sách thuế của Việt Nam để cạnh trạnh không lành mạnh. Lợi dụng quy định thép hợp kim được hưởng thuế suất thấp, nhiều nhà nhập khẩu đã thêm một lượng nhỏ nguyên tố Bo vào trong thép (khoảng 0,0008%), “phù phép” thép xây dựng sang thép hợp kim, từ đó được hưởng thuế thấp hơn. Về lý thuyết, hàm lượng Bo có thể làm gia tăng độ cứng trong thép, thông thường, thép hợp kim sẽ được sử dụng cho mục đích cơ khí, chế tạo... Tuy nhiên, theo phân tích thì tỷ lệ trên chỉ là vi lượng, không làm thay đổi tính chất vật lý cũng như “mác” của thép, không đủ tiêu chuẩn sử dụng cho cơ khí, chế tạo và cũng không phải thành phần cần thiết cấu thành chất lượng đối với thép xây dựng.

Với chiêu lách luật này, thép Trung Quốc hiện được bán với giá thấp 800.000 - 1.000.000 đồng/tấn, ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ thép của Việt Nam, đặc biệt trong hoàn cảnh sản xuất khó khăn như hiện nay.

Trước thép, kính nội cũng lao đao trên sân nhà khi kính Trung Quốc tràn vào Việt Nam, với lượng nhập khẩu mỗi tháng ước 2 triệu tấn. Kính nhập khẩu giá rẻ cũng sử dụng những phương thức gian lận thương mại như giá tính thuế thấp hơn giá trị thực từ 50 - 70% và chỉ bằng 1/3 so với sản xuất ở Việt Nam, kê khai độ dày của kính thấp hơn…

Lãnh đạo một doanh nghiệp vật liệu khi được hỏi về nguy cơ hàng nhập tràn vào Việt Nam năm 2013 cho biết, giới kinh doanh Việt Nam đang thực sự lo lắng. Sản xuất của Việt Nam nhiều khi vẫn manh mún nhỏ lẻ, trong khi các nhà máy của Trung Quốc có sản lượng rất lớn, ồ ạt ra hàng, nếu họ khủng hoảng thừa, bán rẻ bằng mọi giá, sẽ rất khó để chống đỡ.

Hiện các nhà máy thép đang loay hoay đầu ra do một thời gian dài không chăm chút cho thị trường tiêu dùng dân dụng. Tổng giám đốc một công ty thép cho hay, tiêu thụ thép có đặc thù riêng, đó là phải xây dựng được thương hiệu mạnh mới tiêu dùng dân sinh được, mà điều này phải có thời gian. Do đặc tính như vậy, thép Trung Quốc giá rẻ đã tận dụng để len chân vào thị trường này và cũng rất dễ được người dân sử dụng, vì rất khó phân biệt.

Theo VSA, tổng công suất sản xuất của các nhà máy thép trong nước tính đến thời điểm này đạt khoảng 12 triệu tấn/năm, trong khi khả năng tiêu thụ bình quân hàng năm chỉ đạt khoảng 6 triệu tấn, riêng năm 2012 ước chỉ đạt trên 5 triệu tấn. Trong thời điểm này, các doanh nghiệp thép đang chồng chất khó khăn bởi lãi suất ngân hàng, ứ đọng vốn, tồn kho cao, buộc phải giãn hoặc dừng sản xuất. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 9 tháng đầu năm 2012, chỉ số tồn kho của sản xuất sắt, thép và gang tăng 40,6% so với cùng kỳ, nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng với công suất từ 30 - 45%.

Lối ra cho ngành vật liệu Việt Nam, bên cạnh kích cầu trong nước, rất cần khơi thông kênh xuất khẩu. VSA kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu thép. Đồng thời, xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% để giảm áp lực tồn kho hiện nay của ngành. 9 tháng đầu năm, ngành thép xuất khẩu được 1,44 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán