Top

Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển Doanh Nghiệp

Địa chỉ: 11 Phạm Hùng, P.Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 84.4.37687143        Fax: 84.4.37687140

E-mail: ecorio@gamigroup.com         Website: www.fbs.vn

Bộ trưởng bày cách 'cứu' thị trường bất động sản

Cập nhật 26/10/2012 08:15

Nhiều giải pháp cụ thể đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề xuất để “giải cứu” thị trường bất động sản như chia nhỏ căn hộ, chuyển tư dự án thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép canh tác trên khu đất trống,…

Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng với các doanh nghiệp ngành xây dựng – bất động sản diễn ra chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề nổi bật của thị trường hiện nay là phải rà soát lại các dự án, tìm cách khai thác quỹ đất trống và chuyển đổi quy hoạch các dự án.

Theo Bộ trưởng, Bộ Xây dựng đang tiến hành rà soát các dự án và với từng dự án sẽ đưa ra cách giải quyết cụ thể, tránh lãng phí. Những dự án chưa giải phóng mặt bằng và không phải là các chương trình bức thiết thì có thể dừng lại, không giải phóng mặt bằng nữa để không ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Với những dự án giải phóng mặt bằng rồi nhưng chưa san nền nếu là dự án nhà ở bất động sản thì dừng lại. Nhưng đất dự án không được phép bỏ hoang mà có thể cho doanh nghiệp tạm thời chuyển hướng sang kinh doanh nhà hàng, hoặc các dịch vụ được địa phương ủng hộ. Quan điểm của ông Dũng không nhất thiết phải thu hồi nhưng đất đó phải tạm thời chuyển sang mục đích khác, không được bỏ hoang.

Còn với những dự án đã làm hạ tầng rồi thì điều chỉnh dự án, tăng tỉ lệ nhà ở xã hội lên, không phải là chỉ 20% như quy định mà có thể vượt con số này. Đồng thời, có thể điều chỉnh dự án từ căn hộ cao cấp sang dự án nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi đối thoại với doanh nghiệp.Ảnh: Châu Anh

“Làm như vậy không chỉ cứu doanh nghiệp mà còn giúp người dân có nhà, cứu nền kinh tế. Khi chuyển sang nhà xã hội, doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế sử dụng đất, nên sẽ bớt gánh nặng về tài chính, còn nhiều người làm công ăn lương thì cũng sẽ thêm nhà để ở”, Bộ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thật nhanh để do điều chỉnh dự án. Nếu để các thủ tục này kéo dài đến 1 năm thì sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Hiện TP.HCM đang làm rất quyết liệt việc này.

Loại hình thứ 3 là với những dự án đã có căn hộ rồi nhưng “ế” vì giá cao, diện tích lớn thì xem xét điều chỉnh thu nhỏ diện tích căn hộ để người dân mua được. Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản đang đóng băng, các doanh nghiệp đang phải sống dở chết dở vì xây nhà không bán được.

Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà vẫn rất lớn, nhưng họ không đủ tiền để mua một căn hộ thương mại diện tích lớn. Vì vậy, có thể chia nhỏ căn hộ để phù hợp với túi tiền của người dân hơn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, ngân hàng cũng cần mở van tín dụng không chỉ cho chủ đầu tư mà với cả người mua nhà, tạo điều kiện để các đối tượng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Góp ý về các đề xuất của Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh diện tích căn hộ theo hướng chia nhỏ sẽ vi phạm một số quy định, ví dụ, mỗi cầu thang máy chỉ đáp ứng tối đa cho 4 - 6 căn hộ, nay nếu chuyển thành 10 - 12 căn hộ có thể sẽ gây quá tải.

Tương tự như vậy, việc chia nhỏ căn hộ có thể làm phá vỡ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được quy hoạch trước đó.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hiện số căn hộ đã hoàn thành đang tồn dư tại Hà Nội khoảng 2.400 căn, con số này không lớn và rải đều ở các khu đô thị, như vậy áp lực phá vỡ quy hoạch không phải lớn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải xem xét cụ thể số lượng căn hộ có thể chia nhỏ và xem xét hạ tầng xã hội cũng như kỹ thuật của khu vực đó để điều chỉnh cho hợp lý.

“Ở những nước giàu người ta vẫn có căn hộ diện tích 20m2 nhưng căn hộ thu nhập thấp của ta lên tới 40m2 thì cần phải xem xét lại để có chính sách phù hợp và tạo điều kiện cho người dân có nhà”, Bộ trưởng nói.

Về thắc mắc của các doanh nghiệp cho rằng không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất dù chỉ là tạm thời do vướng nhiều quy định trước đó. Bộ trưởng cho biết, sẽ sớm phối hợp với thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách cho phép các chủ đầu tư khai thác tạm thời quỹ đất trống hiện có, có thể chuyển hướng canh tác hoặc tổ chức kinh doanh, sản xuất trong thời gian chờ được phép đầu tư.

“Ở thời điểm thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, chúng ta cần có chính sách dài hạn, nhưng cũng phải có chính sách trước mắt tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News