Câu hỏi:
Anh chị em tôi hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, hiện gia đình chúng tôi có một căn nhà tại Việt Nam. Cha tôi và chị gái đang sống tại ngôi nhà đó, riêng mẹ tôi đang sống cùng chúng tôi, bà đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Căn nhà trên do cha tôi đứng tên (cha tôi còn có một người con chung của vợ trước). Hiện nay, tuổi cha tôi đã già yếu, như vậy, khi cha tôi mất đi mà chưa lập di chúc thì phần tài sản trên chúng tôi có quyền được hưởng không? Người chị cùng cha khác mẹ của chúng tôi có gia đìng đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh có ý định muốn chiếm toàn bộ tài sản trên, chúng tôi phải làm thế nào để không mất quyền lợi chung? Chúng tôi muốn đề cử một người anh em hiện đang sống ở Hoa Kỳ đứng tên khối tài sản thừa hưởng chung đó thì phải làm những thủ tục nào? Kính mong Cà phê Luật tư vấn giúp.
Xin chân thành cảm ơn! (bichquyen_nguyen33@yahoo.com)
Luật sư Đỗ Như Quát - Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia TP.HCM trả lời:
Theo những gì bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời từng vấn đề như sau:
Luật sư Đỗ Như Quát. |
- Theo qui định của pháp luật về thừa kế hiện hành ở Việt Nam, nếu người cha của bạn mất mà không để lại di chúc, thì khối tài sản của người cha để lại sẽ được phân chia đều cho các đồng thừa kế sau: ông bà nội của bạn (nếu còn sống), mẹ của bạn (nếu vẫn còn trong thời kỳ hôn nhân) và tất cả các người con của cha bạn không phân biệt đang ở đâu.
- Chúng tôi không nắm rõ căn nhà ở Việt Nam hiện do ai đứng tên, nếu như chỉ có một mình cha của bạn đứng tên trên giấy tờ thì ông có toàn quyền quyết định tặng cho, mua bán đều được. Do vậy, một khi cha của bạn làm giấy tặng cho, mua bán một cách tự nguyện, minh mẫn thì hợp đồng đó có hiệu lực. Còn ngược lại, giấy tờ đứng tên của hai vợ chồng thì phải có sự đồng ý của cả hai thì giao dịch đó mới được thực hiện.
- Một khi phát sinh thừa kế trên khối tài sản đó, các anh chị em của bạn có thể tiến hành lập giấy ủy quyền cho một người đại diện đứng ra kê khai, quản lý khối tài sản chung đó. Việc ủy quyền này phải được công chứng, chứng thực tại các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc được hợp pháp hóa lãnh sự thì mới được xem xét công nhận.
Bạn đọc có những thắc mắc cần được hỗ trợ, tư vấn trong lĩnh vực nhà đất. Vui lòng gửi thư về địa chỉ Email: cafeluat@diaoconline.vn
Xin chân thành cảm ơn!
DiaOcOnline.vn