Chính sách đòi lại nhà của Việt kiều sở hữu đã bị nhà nước quản lý theo diện vắng chủ?

Cập nhật 02/07/2008 13:10

Câu hỏi:

Tôi xin hỏi chuyên mục Cà phê luật có thể tư vấn cho tôi về việc áp dụng các chính sách đòi lại nhà của Việt kiều sở hữu đã bị nhà nước quản lý theo diện vắng chủ được không? Nếu được vui lòng trả lời và cho tôi địa chỉ liên hệ với các Luật sư giỏi để ký hợp đồng bảo vệ quyền lợi. (khanhpd.hq@vietsov.com.vn)

Luật sư Nguyễn Thế Thông - TTTVPL, Hội Luật Gia TP.HCM trả lời:

Vì bạn không gửi dữ kiện, vụ việc cụ thể nên chúng tôi không thể vận dụng quy định của pháp luật để giải đáp chính xác cho bạn. Qua thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi xin trả lời như sau:

Về nguyên tắc, Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.

Tuy nhiên, đối với nhà đất mà Nhà nước đã có văn bản quản lý nhưng trên thực tế Nhà nước chưa quản lý, chưa bố trí sử dụng thì giải quyết như sau:



Luật sư Nguyễn Thế Thông.

1. Trường hợp người đang trực tiếp sử dụng nhà đất là chủ sở hữu thì phải có giấy tờ chứng minh là chủ sở hữu nhà tại thời điểm Nhà nước có văn bản quản lý làm cơ sở để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà đất đó.

2. Trường hợp người đang trực tiếp sử dụng nhà đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì không phải thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ sở hữu được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà và người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp người đang trực tiếp sử dụng nhà đất có giấy tờ chứng minh việc mua bán, chuyển đổi hoặc tặng cho ngay tình và hiện nhà đất đó không có tranh chấp về sở hữu thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

4. Trường hợp người đang trực tiếp sử dụng nhà đất là người thừa kế hợp pháp thì phải có di chúc hợp pháp hoặc biên bản phân chia di sản hoặc có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

(Xem Nghị quyết số 23 ngày 26/11/2003; Nghị quyết số 755 ngày 02/4/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo Xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/07/1991; Nghị định số 127 ngày 26/11/2003 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện NQ23, NQ755)

Bạn đọc có những thắc mắc cần được hỗ trợ, tư vấn trong lĩnh vực nhà đất. Vui lòng gửi thư về địa chỉ Email: cafeluat@diaoconline.vn

Xin chân thành cảm ơn!


DiaOcOnline.vn