Trở thành sản phẩm có tiềm năng về xuất khẩu, song do chỉ tập trung vào một số thị trường và bị phụ thuộc vào khâu trung gian, nên hiệu quả mà các DN xi măng có được không cao. Theo các chuyên gia, thay vì xem xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế, cần có chiến lược và lộ trình xuất khẩu bền vững hơn để tận dụng tiềm năng của sản phẩm này.
Với 74 dây chuyền đang vận hành với tổng công suất thiết kế là 77,36 triệu tấn, công suất huy động 72 - 73 triệu tấn, tỷ lệ khai thác công suất trung bình của cả nước là 96%, ngành xi măng VN được đánh giá là TOP 5 thế giới, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ.
Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam nhìn nhận, xi măng VN là một trong những ngành có nhiều tiềm năng phát triển, hơn nữa nguồn tài nguyên để sản xuất xi măng trong nước rất dồi dào. Ông cho biết, trữ lượng đá vôi của VN có thể dùng cho sản xuất xi măng trong vòng 100 năm nữa. Đây chắc chắn là điều kiện tốt để chiếm lĩnh thị trường XK thế giới, mang lại nguồn thu cho quốc gia.
Trung gian ép giá
Với khối lượng xuất khẩu xi măng đạt được trong năm 2014 lên tới 4 triệu tấn, ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Quản lý thị trường và chính sách bán hàng, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), cho rằng các DN xi măng đang rất quan tâm đến mảng kinh doanh đầy tiềm năng này.
Tuy nhiên, sự "bấp bênh" của giá xuất khẩu đang tạo không ít khó khăn cho các DN, khi đầu năm giá xuất khẩu dưới 38 USD/tấn, đã tăng dần tới đỉnh là 39,5 USD-40 USD/tấn, nhưng sau đó đã giảm dần vào cuối năm 2014. Sự sụt giảm về giá kéo theo sự sụt giảm về sản lượng xuất khẩu đầu năm 2015.
Nguyên nhân chính được ông Quân đưa ra, đó là do các DN xi măng phân tán nhỏ lẻ, trong khi xuất khẩu chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống. Hoạt động xuất khẩu lại bị phụ thuộc vào kênh trung gian, với 5 nhà nhập khẩu chính, chiếm tới 70% khối lượng xuất khẩu của Việt Nam, nên xi măng bị ép giá.
Thực tế này cũng được ông Lương Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long, chỉ ra rằng "mặc dù DN đã nỗ lực để đàm phán ký hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất có nhu cầu nhập khẩu, xây dựng và ký các cam kết khung trong việc hợp tác mua bán sản phẩm, nhằm giảm thiểu việc bán hàng qua khâu trung gian. Tuy nhiên, do DN xuất khẩu xi măng có quy mô và mức độ tập trung thấp, nên việc khai thác tận gốc là chưa đạt hiệu quả. Hiện, các DN xuất khẩu xi măng vẫn phải bán hàng qua khâu trung gian, dẫn tới hiệu quả chưa đạt kỳ vọng khi còn xảy ra tình trạng đua tranh xuất khẩu dẫn tới bị khách hàng ép giá".
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do các DN xuất khẩu xi măng của Việt Nam còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp nên việc khai thác tận gốc là chưa đạt được mà phải thông qua khâu trung gian.
Ông Hải phân tích rằng hầu hết các DN đều mới gia nhập thị trường thương mại quốc tế, nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong buôn bán quốc tế, cạnh tranh thương trường, cũng như đáp ứng các quy định khắt khe của các nhà nhập khẩu, nên chưa ký được hợp đồng dài hạn mà phần lớn là những hợp đồng ngắn hạn. Với năng lực tài chính có hạn, các DN sản xuất dễ bị các đối tác ép giá bán khi gặp phải áp lực giải phóng hàng tồn kho.
Đừng chỉ là giải pháp tình thế
Việc xuất khẩu xi măng của Việt Nam, về thực chất, chỉ là điều tiết trong giai đoạn có thể bị khủng hoảng thừa, chứ chưa trở thành một chiến lược phát triển bền vững, vì thiếu sức mạnh nội tại về vốn và công nghệ. Lĩnh vực xi măng lệ thuộc rất lớn vào mạng lưới phân phối và lợi nhuận, nếu có, thường thu được ở thị trường nội địa, thị trường có cự ly gần, dễ vận chuyển và nhu cầu vừa cao vừa lâu dài.
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2014 có 107 DN tham gia xuất khẩu xi măng, trong đó có 20 DN đạt kim ngạch xuất khẩu cao trên 10 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10%. Với 912,44 triệu USD giá trị xuất khẩu mà ngành xi măng đạt được, nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu xi măng đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu chung.
Giá trị xuất khẩu xi măng năm 2014 đạt cao hơn so với 2 năm trở lại đây, khi giá xuất bình quân hiện ở mức 43,155 USD/tấn. Bộ Công Thương đánh giá, xuất khẩu xi măng đang mang lại hiệu quả thiết thực cho DN, góp phần ổn định thị trường tiêu thụ và giảm bớt gánh nặng tiêu thụ nội địa, giảm lượng tồn kho.
Tuy nhiên, theo đại diện của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, một trong những khó khăn của các đơn vị sản xuất, xuất khẩu xi măng là giao thông khó khăn, phí vận chuyển gia tăng do ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào và biến động kinh tế.
Để xuất được một lô hàng đi nước ngoài, việc vận chuyển, bốc dỡ phải qua rất nhiều giai đoạn. Do đó, muốn có lãi thì các DN phải đẩy giá bán phù hợp để bù chi phí vận chuyển, nếu không "thu chẳng bù chi".
Đặc biệt, khi xuất khẩu sang thị trường xi măng châu Phi, Mỹ La tinh thì cần phải có tàu trọng tải lớn trên 50.000 tấn mới có thể xuất được. Với các thị trường gần, một số đơn vị vận chuyển bằng đường bộ song chi phí cao gần gấp đôi nên cũng rất khó khăn.
Theo Ts. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, xuất khẩu xi măng vẫn chưa được các DN nhìn nhận đầy đủ là chiến lược kinh doanh lâu dài, khi xem đây là giải pháp tình thế khi tiêu thụ trong nước khó khăn. Thế nhưng, thực tế với lợi thế là ba phần tư diện tích đồi núi, phần lớn là núi đá vôi, DN có dây chuyền và công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ tố, đường bờ biển dài thì Việt Nam là một trong những nước có lợi thế phát triển xi măng.
Tuy nhiên, ông Ts. Minh cho rằng không xuất khẩu xi măng bằng mọi giá mà phải chọn lọc và có lộ trình. Theo đó, cần đầu tư cho hệ thống cảng chuyên dùng đảm bảo tiêu chuẩn cho tàu ít nhất 30 nghìn tấn trở lên; tăng cường liên kết giữa các DN xuất khẩu; đầu tư công nghệ hiện đại. Đồng thời, thiết lập các khuôn khổ pháp lý trong đàm phán, ký kết hiệp định để các DN chủ động tổ chứ khảo sát, nghiên cứu thị trường và có bước đi phù hợp. Đặc biệt, có sự thống nhất giá giữa các nhà máy xi măng để tránh tình trạng bị ép giá, hướng tới phát triển bền vững cho ngành xuất khẩu này.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Có rất nhiều yếu tố cần phải đánh giá kỹ hơn ví dụ, trước hết chi phí đầu vào xi măng với giá xuất khẩu xi măng đã phản ánh đầy đủ, tất cả các thiệt hại giá trị chúng ta bỏ ra kể cả tài nguyên lẫn chi phí về thuế bảo vệ môi trường. Những vấn đề đó chúng ta cần có sự đánh giá kĩ hơn nữa giữa các bộ ngành quản lý để được điều chỉnh trong các văn bản pháp quy và cũng như định hướng lớn của ngành xi măng, quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt. Nếu như có 1 định hướng cho xuất khẩu thì bắt buộc chúng ta phải có điều chỉnh cho phù hợp có những cơ sở mặt lý luận cũng như tổ chức thực hiện.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh