Là một trong năm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn nhất Việt Nam nhiều năm qua, song ngành công nghiệp gỗ năm 2009 đang đối mặt với nguy cơ không đạt mục tiêu XK 3 tỉ USD khi thị trường XK liên tục bị đóng băng trong hai tháng đầu năm.
Nhận định trên được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) đưa ra ngày 18.3.
Cứu cánh bằng thị trường nội?
Thống kê của VIFORES cho thấy, trong hai tháng đầu năm, kim ngạch XK gỗ giảm 26% so với cùng kỳ 2008 - là một trong những ngành có tốc độ giảm sút cao nhất. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp. Hợp đồng XK tại hai thị trường chính là Mỹ và EU đã giảm xuống 35%, riêng Nhật Bản với 30% thị phần XK cũng chững lại đáng kể. Phó Chủ tịch VIFORES - ông Nguyễn Tôn Quyền - cho biết: "Nhiều hợp đồng đã ký phải dừng lại, bạn hàng không có tiền trả cho doanh nghiệp do ngân hàng các nước thắt chặt tín dụng. Nhiều doanh nghiệp tại miền Trung báo cáo về hiệp hội là hàng cho tháng tư đã làm hết nhưng không biết tháng năm còn hợp đồng để làm không".
Tại Bắc Ninh, hơn 300 doanh nghiệp gỗ, chủ yếu là gỗ mỹ nghệ, đang lâm vào tình cảnh "thê thảm". Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, số còn lại đành co cụm, giải tán công nhân, thu hẹp sản xuất, cầm cự chờ thời cơ. Ông Cung Quang Bình - GĐ Cty gỗ Bình Nguyên (Đồng Kỵ - Bắc Ninh), lo ngại: "Đầu năm đến nay, Cty đã phải cắt giảm từ 100 xuống còn 40 công nhân. Khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra của sản phẩm, tất cả hợp đồng XK với phía Trung Quốc đều đang đóng băng".
Theo ông Nguyễn Văn Khanh - Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bắc Ninh, thị trường tại đây chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan... thị phần trong nước chỉ chiếm 20 - 30%. "Nếu hợp đồng XK lên đến vài chục tỉ thì hợp đồng trong nước xuống vài triệu đồng. Song thời điểm này, DN không có sự lựa chọn. Chuyển hướng thị trường nội địa là một cách cứu vãn tình thế của nhiều doanh nghiệp hiện nay... - ông Khanh khẳng định.
Xây "chợ đầu mối"
Hiện có khoảng 600.000m3 gỗ nguyên liệu tồn kho, không thể chế biến thành sản phẩm do không có đơn hàng. Số gỗ này các doanh nghiệp lại nhập khẩu ở thời điểm giá gỗ thế giới rất cao nên càng khốn đốn. Nhiều doanh nghiệp khẳng định, dù Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ kích cầu bằng việc hỗ trợ lãi suất, dãn hạn thuế thu nhập, quảng bá sản phẩm... song vẫn chưa có bước biến chuyển đáng kể.
Ông Trần Quốc Mạnh - Giám đốc Cty gỗ Sadaco, phân tích: "Hỗ trợ lãi suất song thủ tục quá rườm rà, gây bất lợi cho doanh nghiệp, trong khi gỗ nguyên liệu nhập khẩu ở thời điểm giá gỗ thế giới rất cao nên càng khó giảm giá thành". Ông Mạnh cho rằng, việc doanh nghiệp hướng đến thị trường nội địa đành trở thành giải pháp tình thế, trong bối cảnh "mạnh ai nấy chạy" như nhiều doanh nghiệp hiện nay. Nội địa sẽ là thị trường đầy tiềm năng chỉ khi nào hình thành hệ thống phân phối hàng chuẩn theo từng dòng hàng, hệ thống phân phối do mỗi DN đặc trách.
Trong tình thế "ngoại" chê, như hiện nay, không ít doanh nghiệp đã biến thương hiệu trở thành thế mạnh khi chiếm lĩnh người tiêu dùng trong nước. Một số doanh nghiệp như Hưng Long (Hà Nội), Việt Hà (Bắc Ninh)... ngay từ đầu năm đã xác định những dòng sản phẩm gỗ nội thất phù hợp với tâm lý khách hàng trong nước để tập trung sản xuất và cung ứng. Kết quả đáng phấn khởi khi doanh thu hai tháng đầu năm 2009 không hề thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ hình thành ý tưởng táo bạo là xây dựng trung tâm phân phối đầu gỗ, gọi nôm na là chợ đầu mối gỗ - nơi doanh nghiệp trao đổi nguyên liệu, trực tiếp mua, trao đổi các công đoạn sản xuất. Hiện gần 300 doanh nghiệp là thành viên của hội đang tiến hành tìm đất để xây dựng trung tâm tại TPHCM..
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động