Xu hướng mới trong ngành vật liệu xây dựng

Cập nhật 06/07/2010 11:10


Gạch bê tông khí chưng áp
Theo quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2010 và định hướng 2020 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển gạch không nung thay thế gạch đất nung phải đạt 25 - 30% vào năm 2010, xóa bỏ hoàn toàn gạch đất nung thủ công vào năm 2020.

Mặc dù hiện tại, xu hướng sử dụng gạch không nung tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến, nhưng với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ngành sản xuất gạch không nung, đặc biệt là các dự án gạch bê tông khí chưng áp (AAC) sẽ được nhiều DN đầu tư phát triển.

Công nghệ thân thiện

So sánh đặc điểm sản xuất và cơ lý của gạch không nung với gạch nung, có thể thấy, loại gạch không nung có nhiều ưu điểm và lợi thế về kinh tế như: chất lượng tương đương và cao hơn gạch nung truyền thống cùng loại, diện tích sử dụng mặt bằng ít hơn, tiết kiệm diện tích có mái che, chi phí đầu tư giảm, tiết kiệm năng lượng, phụ gia có sẵn trên thị trường xây dựng, nguyên liệu đầu vào dồi dào, đặc biệt giá thành đầu vào của 1 viên gạch không nung rẻ hơn so với các gạch nung từ 10 - 20%.

Với công nghệ sản xuất gạch bê tông siêu nhẹ xốp. Bê tông siêu nhẹ xốp dùng nguyên liệu chính là xi măng. Với ưu điểm như bền, ổn định, dễ dàng tạo hình, chịu được rung, không dẫn điện, cách âm, chống thấm..., công nghệ này có thể áp dụng cho những công trình xây dựng có nền đất yếu, các công trình chắn sóng và chịu va đập.

Nếu so sánh với nhà máy sản xuất gạch Tuynel cùng công suất thì nhà máy sản xuất bê tông nhẹ nổi giảm được 50% kinh phí đầu tư cho một nhà máy, giảm 60% diện tích đất cho mặt bằng sản xuất và giảm 90% năng lượng sản xuất. Đối với chủ đầu tư các công trình xây dựng, sử dụng sản phẩm bê tông nhẹ sẽ giảm được 40% tổng tải trọng truyền xuống móng công trình, từ đó giảm chi phí gia cố nền móng. Đối với các nhà thầu xây dựng sử dụng bê tông nhẹ thay thế cho gạch đất nung sẽ giảm được 70% vữa xây, tăng 150% năng suất lao động của thợ xây và giảm 50% chi phí vận chuyển so với gạch đất nung.


Sản xuất gạch không nung và gạch bê tông siêu nhẹ đều là hai công nghệ thân thiện với môi trường. Không những hạn chế nung đốt, giảm khí thải CO2, đóng góp tích cực cho việc tiết kiệm than ngày càng cạn kiệt và không làm mất đi canh tác của nông thôn, không làm ô nhiễm nguồn nước ngầm của địa phương sản xuất gạch, mà còn xử lý và tận dụng các nguồn phế thải trong xây dựng, công nghiệp, thu hút và giải quyết được nguồn lao động đang dư thừa tại các địa phương, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gạch AAC có ưu thế vượt trội về trọng lượng, có khả năng cách âm và cách nhiệt, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng cho công trình. Dùng vật liệu nhẹ sẽ làm giảm tải trọng công trình khoảng 15%, giúp tiết kiệm 7 - 10% chi phí xây thô. Ngoài ra, do kích cỡ lớn, dễ khoan cắt, việc sử dụng loại gạch này trong thi công sẽ giảm thời gian xây dựng khoảng 30%. Công trình xây xong cũng sẽ tiết kiệm được khoảng 40% điện năng tiêu thụ cho máy lạnh, nhờ có độ cách nhiệt tốt hơn.

Các chính sách hỗ trợ

Với các ưu điểm trên, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN đầu tư và người sử dụng loại vật liệu này. Ngày 28/4 vừa qua, Chính phủ tiếp tục có Quyết định 567//2010/QĐ-TTg với mục tiêu nâng cao hơn nữa tỷ trọng gạch nhẹ trong ngành xây dựng. Theo đó, từ năm 2011, các công trình nhà từ 9 tầng trở lên sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ. Bên cạnh đó là các chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi đầu tư sản xuất vật liệu mới (gạch không nung) như được miễn giảm thuế thu nhập DN, được hưởng lãi suất ưu đãi. Cụ thể như những DN hoạt động trên địa bàn TP. HCM sẽ được vay vốn thời hạn 7 năm, được Thành phố hỗ trợ 50 - 100% lãi vay.

Với đầu ra nhiều tiềm năng và chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ, một số công ty đã mạnh dạn đầu tư nhập các dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp. Trong thời gian gần đây, nhiều công ty công bố những dự án đầu tư dây chuyền sản xuất gạch nhẹ không nung. Các dự án lớn có thể kể đến là dự án của Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng Viglacera (công suất 200.000 m3/năm), CTCP Sông Đà Cao Cường (200.000 m3/năm), CTCP Xây dựng Dầu khí Nghệ An (100.000 m3/năm), mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng/100.000 m3. Đây rất có thể là những dự án mở đầu cho xu hướng mới của vật liệu xây trong nước.

Tại các nước phát triển trên thế giới, vật liệu xây không nung chiếm khoảng 60% tổng số vật liệu xây dựng, con số này ở nước ta mới chỉ là 10%. Với những ưu điểm vượt trội của gạch không nung so với gạch nung truyền thống, có thể kỳ vọng vào một xu hướng mới của vật liệu xây trong nước và tiềm năng của những dự án mới, nhất là những dự án tiên phong.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư