Nhà sản xuất Ximăng nói không tăng nhưng giá Ximăng trên thị trường cứ "lù lù” tiến. Một số nhà thầu đã phải tìm mua để trữ Ximăng vì sợ giá tăng, giống như thời bao cấp... Nguyên nhân giá tăng phần lớn do khâu phân phối mà ra.
Giá Ximăng tăng 16%
Theo ông Bùi Hoàng Triệu - giám đốc Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa (Tân Bình, TP.HCM), dù giá ximăng không tăng mạnh như giá thép nhưng mức tăng cũng khá cao. Cuối năm 2007, giá ximăng Hà Tiên 1 trên thị trường 56.000 đồng/bao, nay là 65.000 đồng/bao, tăng 9.000 đồng/bao, tương đương 16%.
Một số nhà thầu xây dựng cũng cho biết không chỉ có Hà Tiên 1 khan hàng mà Ximăng Holcim, Nghi Sơn cũng trong tình trạng tương tự. Các nhà thầu đang rỉ tai nhau: "Lấy Ximăng trữ đi, chứ tới đây Holcim tăng thêm 2.000 đồng/bao, giá chót cũng phải 65.000 đồng/bao". Thế nhưng, theo ông Triệu: "Rất hiếm hàng, xe phải chầu chực mấy ngày mới được xuất phiếu". Giá Ximăng tăng khiến các nhà thầu "méo mặt" vì trong hợp đồng đã ký, Ximăng do nhà thầu lo. Theo tính toán của ông Triệu, một công trình nhà ở có diện tích sàn xây dựng khoảng 300m2 cần 800 bao ximăng. Với mức giá như hiện nay, phải bù khoảng 7,2 triệu đồng cho phần Ximăng tăng giá.
Trong khi đó, theo phòng kinh doanh Công ty cổ phần Ximăng Hà Tiên 1, thời điểm cuối năm 2007, giá giao tại nhà máy gồm cả thuế của Hà Tiên 1 chỉ có giá 50.000 đồng/bao. Sau đó, Hà Tiên 1 điều chỉnh tăng giá vào thời điểm tháng 1 và 2-2008, nhưng tổng mức tăng sau hai lần điều chỉnh chỉ tương ứng 1.750 đồng/bao, giá xuất xưởng hiện nay của Hà Tiên 1 đang giữ mức 53.500 đồng/bao.
Nhà máy - đại lý bắt tay nhau để kéo giá?
Hầu hết Ximăng khi tới tay người tiêu dùng cuối cùng phải "trôi" qua tay ít nhất ba nấc trung gian. Lý do là hầu hết ximăng đều được nhà sản xuất mua đứt bán đoạn với nhà phân phối. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm qua, khó có thể thay đổi. Không khác gì với ngành thép, Ximăng cũng chạy lòng vòng qua nhiều tầng, nhiều nấc trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Khi nhà phân phối đã trả dứt tiền cho nhà máy thì giá bán Ximăng sẽ do họ quyết định. Chỉ cần thị trường khan hàng hoặc họ tìm cách tạo ra tình trạng khan hàng là giá tăng.
Phần lớn Ximăng sau khi được nhà máy bán đứt cho nhà phân phối nhưng vẫn gửi tại nhà máy. Cứ thế hàng được bán lòng vòng trên giấy, khi đến tay người mua cuối cùng với giá cao hơn rất nhiều thì hàng mới được xuất kho.
Theo một chuyên gia, khó loại bỏ được tình trạng nhà phân phối/đại lý "gửi" lại hàng sau khi đã được nhà sản xuất xuất phiếu bán vì cả hai đều dựa vào nhau. Ở mùa tiêu thụ chậm, doanh nghiệp sản xuất Ximăng khuyến mãi, đại lý gồng mình ôm hàng cho đạt chỉ tiêu khuyến mãi, rồi gửi lại trong nhà máy. Khi thị trường nóng sốt, các đại lý mới tà tà bán ra. Do đó, nhà sản xuất dù nói không tăng giá, nhưng thực tế giá bán ra ngoài thị trường do các đại lý này quyết định vì nguồn hàng thật sự đều đang nằm trong tay họ.
Tuy nhiên, các đại lý và nhà phân phối lại cho rằng chuyện giá tăng là do bị nhà sản xuất cắt mất chiết khấu, "siết" quá chặt thời gian thanh toán chỉ còn 3-5 ngày thay vì một tuần hay nửa tháng như trước, khiến họ phải đi vay ngân hàng và trả lãi cao mới lấy được hàng. Còn nhà sản xuất lấy lý do nếu cho nhà phân phối chậm thanh toán thì tỉ lệ nợ khó đòi tăng cao, rủi ro cho nhà máy và chi phí tăng cao do họ cũng phải đi vay nợ ngân hàng.
Có bình ổn được giá Ximăng
Trước tình hình ximăng đang sốt nóng khu vực phía Nam, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Tổng công ty Công nghiệp ximăng VN (VICEM) cùng các liên doanh sản xuất ximăng lớn chuyển bớt clinker từ phía Bắc vào Nam, tạo nguồn cung cấp ximăng ổn định. Bộ cũng đề nghị các nhà máy không dừng sửa chữa lò vào tháng 4 và 5-2008, tránh tình trạng sản xuất bị gián đoạn dưới bất kỳ lý do nào.
Thế nhưng theo người trong ngành Ximăng, trong nhiều năm gần đây Ximăng Hà Tiên 1 chỉ ngừng đại tu máy móc, thiết bị trong thời gian tết, vốn là thời điểm thị trường ximăng không mấy "ăn hàng", chứ thời điểm này chẳng có doanh nghiệp nào đi dừng máy vì hàng làm ra không đủ bán.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Xây dựng đưa ra các yêu cầu nói trên. Nhưng năm nay thị trường Ximăng tại phía Bắc cũng nóng sốt không kém gì phía Nam nên việc "dư” clinker hoặc Ximăng để "chia" cho miền Nam là không thể. Mặt khác, việc điều chuyển clinker cũng không khả thi, phần lớn doanh nghiệp đã chọn phương án nhập khẩu từ Thái Lan.
Nhu cầu Ximăng tăng mạnh
Một cán bộ có thẩm quyền của một công ty liên doanh xác nhận nhu cầu sử dụng ximăng hiện đang ở mức rất cao. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều đang chạy hết công suất nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Chỉ tính riêng trong tháng 3-2008, thị trường khu vực 4 (từ Bình Thuận đến Long An) ước tiêu thụ gần 800.000 tấn ximăng, tăng hơn 38% so với tháng trước, cho thấy nhu cầu thị trường đang "sốt" đến cỡ nào.