Xi măng: Tăng xuất khẩu hay đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Cập nhật 20/01/2015 09:07

Không ngừng nỗ lực vượt qua “nút thắt” cũng như sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp ngành xi măng (XM) đã gặt hái thành công nhiều hơn mong đợi bởi không chỉ đáp ứng tốt tiêu thụ trong nước mà còn đưa Việt Nam vào danh sách nước xuất khẩu XM (gần 20 triệu tấn) 4 năm liên tiếp sau nhiều năm phải nhập khẩu sản phẩm này.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2014, cả nước tiêu thụ được 70,58 triệu tấn sản phẩm, tăng 15% so với năm 2013, riêng tiêu thụ trong nước đạt 50,9 triệu tấn, tăng 10%, xuất khẩu được 19,68 triệu tấn, tăng 30% so năm 2013, trong đó, xuất khẩu XM tăng với 4,44 triệu tấn và 15,24 triệu tấn clinker.

Theo Phó Tổng giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh, sở dĩ xuất khẩu XM của Việt Nam tăng cao trong năm 2014 vì nhu cầu tiêu thụ XM của thế giới tăng nhưng một số quốc gia xuất khẩu xi măng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… không tăng nguồn cung.

Mặc dù nỗ lực cũng như cố gắng của các doanh nghiệp trong xuất khẩu XM rất đáng ghi nhận nhưng thực tế xuất khẩu XM của Việt Nam còn bộn bề khó khăn, không ít gian nan.

Phân tích thực tế, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Lê Văn Tới cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu XM nước ta còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp nên việc khai thác tận gốc là chưa đạt được mà phải bán hàng qua khâu trung gian, doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng dài hạn mà phần lớn là những hợp đồng ngắn hạn. Mặt khác, việc vận chuyển XM xuất khẩu còn khó khăn do chúng ta chưa có cảng nước sâu chuyên dụng để xuất trực tiếp XM mà vẫn phải trung chuyển từ tàu bé ra tàu lớn ngoài khơi.

Còn bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu XM lại tỏ ra lo lắng khi nguồn cung XM toàn cầu như XM ở Thái Lan, Trung Quốc… sẽ tăng lên trong năm 2015 và xuất khẩu XM của Việt Nam chắc chắn sẽ khó khăn hơn năm 2014.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nhận định: Năm 2015 nhu cầu XM, clinker thế giới và khu vực Đông Nam Á giảm vì Indonesia, Malaysia... mấy năm trước thiếu nhưng nay đã tăng sản lượng sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Các tập đoàn XM xuyên quốc gia như Holcim, Lafarce, Anhuy conch TQ... (có sản lượng hàng trăm triệu tấn) tăng quy mô, liên kết, tăng áp lực lên các lên thị trường thế giới làm khó cho chúng ta.

Một câu hỏi đặt ra là liệu khó khăn như vậy, xuất khẩu XM của Việt Nam có tăng? Trả lời câu hỏi này, ông Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết: Năm 2015, dự báo nhu cầu nội địa sẽ tăng hơn năm nay khoảng 3 triệu tấn, trong khi nguồn cung vẫn không tăng. Vì thế tình hình tiêu thụ XM cũng như tình hình cạnh tranh đối với các doanh nghiệp XM trong năm 2015 cũng không cao. Lượng xuất khẩu năm tới sẽ bằng năm nay.

Thực tế có tăng hay không nên tăng lượng xuất khẩu XM cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho rằng: Không phải mặt hàng nào chúng ta cũng xuất khẩu mà cần tính toán xuất khẩu những sản phẩm có giá trị cao. Đơn cử giá trị 1kg xi măng so với 1kg gạch gốm thì mức chênh quá lớn nên xuất khẩu XM cần có mức độ và cần đẩy mạnh tiêu thụ XM trong nước, phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn ngành xi măng hé lộ, bản thân những doanh nghiệp XM thương hiệu mạnh thì thị trường tiêu thụ nội địa mới là đích nhắm, xuất khẩu chỉ là kênh điều tiết lượng hàng khi tiêu thụ trong nước gặp khó khăn.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng