Mấy ngày qua, các chủ công trình xây dựng chưa kịp vui mừng khi giá thép vừa có dấu hiệu hạ nhiệt, lại phải đối mặt với thị trường xi măng đồng loạt tăng giá chóng mặt. Đã vậy xi măng còn khan hiếm nguồn cung khiến hàng loạt công trình rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
“Ghim hàng”, tăng giá
“Hết hàng”. Đó là câu trả lời cửa miệng của hầu hết chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) khi khách hàng hỏi mua xi măng vào thời điểm này. Chủ cửa hàng VLXD Thanh Hùng trên đường Phạm Văn Bạch (phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, cả tuần qua phải thức đêm để chờ xe của các tổng đại lý công ty xi măng đến giao hàng như thường lệ, mà mỏi mòn chẳng thấy. Chọn giải pháp cho tài xế đến trực chiến tại đại lý xi măng nhưng sau 10 ngày cũng chỉ được vài bao, chẳng bỏ bèn so với nhu cầu khách hàng. “Vì vậy, chủ 2 công trình mà chúng tôi đang cung cấp VLXD đòi bồi thường thiệt hại vì họ cho rằng đến ngày đổ bê tông tầng lầu tòa nhà, mọi thứ đã sẵn sàng nhưng phải dừng lại vì thiếu xi măng” - ông Hùng lo ngại.
Ghé vào cửa hàng VLXD Hồng Nhung (Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp), chúng tôi hỏi mua 100 bao xi măng Hà Tiên, anh Thanh, người bán hàng, nói ngay: “Hà Tiên thì bó tay, đại lý không giao cả tuần rồi. Nếu anh chị mua xi măng Holcim còn hy vọng, nhưng phải chồng tiền trước 100% và đợi khoảng 1 tuần may ra có hàng, giá 59.300 đồng/bao 50kg”. Tương tự, hầu hết cửa hàng bán VLXD từ nội thành ra ngoại ô TPHCM đều nằm trong tình trạng khan hàng, còn giá bán… vô tội vạ. Hiện giá xi măng Hà Tiên 1 đang bị đẩy lên mức 64.000 - 70.000 đồng/bao 50 kg, tùy từng đại lý và địa điểm giao hàng sẽ tăng 5.000 - 11.000 đồng/bao so với tháng trước. Xi măng Holcim giá từ 57.000 đồng cũng tăng lên 63.000 - 68.000 đồng/bao 50 kg. Loại xi măng Fico có giá rẻ nhất cũng tăng từ mức 52.000 đồng lên 60.000 đồng/bao 50 kg… Theo các chủ cửa hàng VLXD, khách hàng chấp nhận mua với giá thị trường họa may còn có hàng, nếu mua giá của công ty công bố thì ít nhất cũng đợi hàng tháng trời, mà cũng không chắc có hàng!
Thực tế, giá xi măng tại Nhà máy Hà Tiên 1 chỉ ở mức 990.000 đồng/tấn, 52.000 đồng/bao 50 kg; Holcim giá 51.000 đồng/bao, chưa bao gồm vận chuyển. Giải thích về tình trạng xi măng tăng giá chóng mặt trên thị trường tự do, đại diện một số công ty xi măng cho biết, không thể kiểm soát được vì khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đã qua rất nhiều khâu phân phối. Trong khi đó, các nhà thầu xây dựng nhận định, không loại trừ chính việc Chính phủ cấm tăng giá (thực hiện theo một trong 7 giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát) khiến các nhà máy xi măng chỉ sản xuất cầm chừng. Mặt khác, các nhà phân phối ghim hàng để tạo cơn sốt ảo, sau đó đẩy giá bán tăng cao do thị trường không có đủ hàng. “Các đơn vị sản xuất xi măng đang đứng trước sức ép tăng giá bán do chi phí vận chuyển tăng mạnh cùng với việc nguyên liệu đầu vào tăng giá, lãi suất sử dụng vốn vay tăng. Có lẽ nhận biết được điều này nên các nhà phân phối mới làm mưa làm gió như vậy. Bởi thực tế các đơn vị sản xuất xi măng chưa ai tăng giá cả”, một lãnh đạo Công ty Xi măng H.T phân tích.
Khốn đốn vì thiếu hàng
Giá xi măng tăng đột ngột và khan hiếm nguồn cung đã đẩy các chủ công trình xây dựng vào thế “ngồi trên đống lửa” do không kịp trở tay. Những ngày gần đây, đến bất cứ khu vực nào đang có công trình xây dựng đều dễ nhận thấy ngổn ngang gạch, cát nhưng lại vắng thợ thi công. “Thấy giá thép bắt đầu ổn định nên vợ chồng tôi tiến hành xây nhà. Không ngờ, mới đổ được các loại VLXD như cát, đá, gạch… thì giá xi măng vụt tăng, mà số lượng ở mỗi cửa hàng chỉ nhỏ nhọt nên phải ngưng lại” - anh Nguyễn Văn Thành (ngụ phường Hiệp Thành, quận 12) buồn bã nói. Trong khi đó, cũng có khách hàng phải chạy đôn chạy đáo tìm mua xi măng vì công trình xây dựng không thể dừng lại.
Tuy nhiên, khách hàng phải chấp nhận mua với giá cao, ở nhiều cửa hàng VLXD khác nhau cách xa công trình và chịu thêm chi phí vận chuyển. Đơn cử, vợ chồng anh Đỗ Văn Thắng (quận Bình Thạnh) đang xây căn nhà diện tích 4x15m, cao 3,5 tầng, sàn xây dựng 200m2. Theo dự trù ban đầu, công trình tốn khoảng 800 bao xi măng, tương ứng 48 triệu đồng (giá cũ 60.000 đồng/bao). Nhưng khi giá mới tăng thêm 10.000 đồng/bao và cộng thêm 5% “phụ phí” vận chuyển, tính riêng tiền xi măng, vợ chồng anh Thắng phải chi thêm trên 10 triệu đồng so với ban đầu. “Nhưng tôi lo nhất là đến giai đoạn gần hoàn thành mà không có xi măng” - anh Thắng cho biết.
Không riêng gì công trình nhà ở tư nhân, các công trình lớn cũng bị xáo trộn bởi khan hiếm xi măng. Theo ông Nguyễn Thành Hùng, phụ trách phòng vật tư Công ty TNHH XD Liên Hoa, hiện công ty đang thi công nhiều công trình tại Vũng Tàu, nhưng do không mua được xi măng nên phải cho công nhân tạm nghỉ việc, số ít còn lại thủng thẳng cho đất vào nền hay làm những việc lặt vặt và vừa canh chừng công trình. Ông Đinh Công Thụy, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng số 2 thuộc Công ty Intresco, cho biết, trước tình hình xi măng tăng giá, khan hàng đột biến, đơn vị đang xem xét, thỏa thuận lại với đối tác để điều chỉnh một số dự toán. Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được công ty đành chịu lỗ và tìm mọi biện pháp để hoàn thành đúng tiến độ cho đối tác.
Theo Sài Gòn Giải Phóng