Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ 15-1-2013, các công trình xây dựng tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Tuy nhiên, theo giới kiến trúc sư thì hiện số công trình sử dụng vật liệu “xanh” vẫn chưa nhiều.
Nhiều lò gạch đất nung truyền thống đã ngừng hoạt động. Song, các kiếc trúc sư cho rằng việc sử dụng vật liệu nhẹ tại các công trình xây dựng vẫn chưa nhiều - Ảnh: Văn Nam
|
Trao đổi với TBKTSG bên lề buổi giới thiệu sản phẩm thiết bị nhà bếp của Công ty TNHH Kohler Việt Nam tối ngày 13-12, ông Lê Quang Linh, Giám đốc Công ty Xây dựng và Thiết kế Phong Cách Mới cho biết, trong quá trình tư vấn, thiết kế công trình xây dựng, nhiều chủ nhà tại Việt Nam vẫn chưa có thông tin và còn ngại sử dụng loại vật liệu nhẹ thay gạch đất sét nung, đội thợ có tay nghề thi công cũng thiếu.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định việc sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15-1-2013 như sau: các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo lộ trình.
Theo đó, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung kể từ 15-1-2013; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung từ thời điểm có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
Riêng các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, từ ngày 15-1-2013 đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung trong tổng số vật liệu xây của công trình (tính theo thể tích).
Theo ông Linh, hiện rất khó thuyết phục chủ đầu tư sử dụng vật liệu nhẹ, gạch không nung và các loại vật liệu tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà bởi đa phần họ chưa nắm đầy đủ thông tin về hiệu quả một công trình "xanh" mang lại về lâu dài, đặc biệt về mặt tiết kiệm năng lượng. Nói dễ hiểu là người tiêu dùng vẫn chưa có lòng tin vào vật liệu xanh.
Ngoài ra, ông Linh cho biết thị trường Việt Nam dường như nhu cầu vẫn chưa đủ mạnh để các nhà cung cấp mạnh dạn sản xuất, nhập khẩu các loại vật liệu xanh chất lượng cao về Việt Nam tiêu thụ. Trong khi đó, đội ngũ thợ có tay nghề để thi công công trình vật liệu nhẹ cũng thiếu.
“Đây là một vấn đề khó. Có người nói đợi thị trường phát triển thì mới nhập, mới sản xuất vật liệu cho công trình xanh, có người bảo khi có sản phẩm thì mới đào tạo đội quân thi công lành nghề được. Đây chính là cái vòng lẩn quẩn trong sử dụng vật liệu xanh cho công trình xây dựng tại Việt Nam hiện nay”.
Vật liệu xây dựng không nung gồm gạch xi măng-cốt liệu, gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm panel từ bê tông khí chưng áp, tấm tường thạch cao ...
Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020 sẽ thay thế 30- 40% gạch đất sét nung nhằm kéo giảm lượng khí thải ra môi trường từ các lò gạch truyền thống như hiện nay.
Một kiến trúc sư khác tại TPHCM cũng cho biết thêm: “Hiện tại cũng có bước thay đổi ví dụ như văn phòng thì nhiều nơi đã chịu làm vật liệu nhẹ như tường thạch cao. Tuy nhiên, để các công trình lớn sử dụng vật liệu nhẹ thì còn rất dài vì các nhà cao tầng hiện nay đều sử dụng bê tông, cốt thép, khó thay đổi. Một phần là do chi phí vật liệu nhẹ còn cao, đôi khi khó tìm và thậm chí đội thợ thi công vật liệu nhẹ có tay nghề vẫn còn thiếu”.
Tại TPHCM, UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng thành phố xây dựng quy định về quản lý và đầu tư phát triển vật liệu xây dựng, trong đó gồm vật liệu xây không nung.
Sử dụng vật liệu xây không nung là xu hướng tất yếu do hạn chế được việc khai thác đất sét từ đất nông nghiệp làm giảm diện tích cây lương thực, có thể tận dung phế thải công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu nung, bảo vệ môi trường, tiết kiệm thời gian thi công …
Trong một văn bản gởi Bộ Xây dựng hôm nay (13-12), UBND TPHCM cũng cho biết hiện thành phố đã chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò tuynel, lò vòng (lò hoffman).
Cụ thể, thành phố đã chấm dứt hoạt động 305 lò gạch thủ công của 94 cơ sở (92 cơ sở ở quận 9 và 2 cơ sở ở quận Thủ Đức). Công ty Cổ phần Gạch ngói Sài Gòn là doanh nghiệp sản xuất gạch đất nung bằng lò tuynel ở phường Long Bình, quận 9 cũng di dời đến địa phương khác sản xuất đề nhường mặt bằng xây Bến xe Suối Tiên.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Xây dựng Long Bình có cơ sở sản xuất gạch đất sét nung tại số 23 Trần Trọng Khiêm, phường Long Bình theo công nghệ nung lò vòng cũng đã ngừng hoạt động.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG