Chú ý đến đầu tư cho sản xuất thượng nguồn, giảm chi phí làm tăng tính cạnh tranh của thép Việt Nam |
Trước hiện tượng tăng, giảm giá thất thường của thị trường thép gần đây (từ 2008 đến nay), nhiều nhà quản lý băn khoăn phân tích và tìm cách bình ổn giá thép.
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cho rằng, bản chất của hiện tượng giá thép biến động bất thường không khó hiểu, tựu trung lại có hai vấn đề cơ bản: đó là sự lạc hậu của hệ thống sản xuất làm ra sản phẩm thiếu sức cạnh tranh và thứ hai là hệ thống phân phối nhiều tầng, nấc làm phát sinh chi phí.
Đầu tư không theo quy hoạch
Về hệ thống sản xuất, do nền kinh tế phát triển, sức tiêu thụ bắt đầu tăng nên ngành thép Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh vài năm gần đây. Các dự án thép của đầu tư nước ngoài (FDI), đầu tư trong nước đăng ký và triển khai ồ ạt trong thời gian qua là minh chứng. Tuy nhiên, ngoại trừ một số dự án FDI đầu tư bài bản, từ thượng nguồn đến hạ nguồn (luyện phôi từ phế liệu thép hoặc quặng sắt đến ra thành phẩm). Còn các dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước, hầu hết chỉ đầu tư ở khâu hạ nguồn (nhập phôi cán ra thành phẩm) thì thực sự đáng lo ngại. Vì thế, bất cập trước hết là hiện tượng đầu tư manh mún, công suất nhỏ, không theo quy hoạch, nhập khẩu chủ yếu công nghệ cũ mà nhiều nước trên thế giới đã cấm và thải loại nên sản phẩm thép làm ra bị giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh. Thực tế, thép nhập khẩu hiện nay là ví dụ, mặc dù phải chi phí vận tải, phí nhập khẩu… nhưng giá bán vẫn thấp hơn giá thép nội.
Không chỉ đầu tư công nghệ lạc hậu, việc đầu tư không theo quy hoạch cũng góp phần làm sản phẩm thép đội chi phí. Theo nguyên lý, việc xây dựng một dự án thép trước hết phải tính đến sự đồng bộ của hạ tầng như giao thông, vận tải và thị trường tiêu thụ để giảm cước phí; thứ hai là các nguyên liệu đầu vào như điện, than, cảng biển để nhập khẩu nguyên liệu… “Không tính toán đủ các điều kiện này, nhà máy dựng lên không đủ điện cho sản xuất, chi phí vận tải quá tốn kém, giá thành sản phẩm sẽ cao…”- ông Nghi nói.
Không giám sát được hệ thống đại lý
Bất cập thứ hai là hệ thống phân phối, cho đến nay vẫn phân phối theo kiểu tự phát. Nhà sản xuất không thích bán sản phẩm trực tiếp cho công trình vì sợ bị trả chậm, bởi công trình có vốn từ ngân sách thường bị giải ngân chậm. Nhà sản xuất không gánh nổi lãi suất vay vốn. Do đó, các nhà sản xuất chọn giải pháp giảm bớt lãi bằng chiết khấu để bán cho các tổng đại lý lấy “tiền tươi, thóc thật”. Về phía các công trình cũng không muốn mua hàng trực tiếp của nhà máy bởi rất khó “gửi giá”. Việc gửi giá dễ dàng chỉ có thể làm ở các công ty làm dịch phân phối, các đại lý. Đây là vấn đề nan giải của ngành thép và nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì biệc bình ổn giá thép là bất khả thi.
Chấn chỉnh cả sản xuất và lưu thông!
Để tháo gỡ các bất cập trên, theo các chuyên gia ngành thép, trước hết là tháo gỡ từ hệ thống sản xuất. Việc đầu tư dự án thép phải ra tấm, ra món, đầu tư phải theo quy hoạch với công nghệ mới và công suất lớn. Như vậy dự án mới đảm bảo dự án hiệu quả và sản phẩm có sức cạnh tranh. Việc làm thế nào để có quy mô lớn thì tự các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau hoặc Nhà nước cần phải có cơ chế khuyến khích để các doanh nghiệp hợp sức với nhau tạo thành sức mạnh.
Việc đầu tư cũng nên cân đối giữa thượng nguồn (luyện phôi) đến hạ nguồn (cán ra thành phẩm). Nếu đầu tư đúng, đủ cho thượng nguồn sẽ đảm bảo giá thép được bình ổn trong thời gian nhất định (1- 2 năm). Bởi các nhà máy thượng nguồn phải cân đối lượng quặng nhập khẩu dự trữ trước, đủ sản xuất trong thời gian từ 3-5 năm. Từ việc có giá quặng ổn định sẽ có giá phôi ổn định và cuối cùng là giá thành phẩm ổn định. Giải quyết dần tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu hiện nay.
Giải pháp tiếp theo là nên tạo sự minh bạch cho thị trường này. Cụ thể như việc mua, bán nên thực hiện theo phương thức điện tử. Như ở Trung Quốc đã có sàn giao dịch Thượng Hải, Anh có sàn giao dịch Luân Đôn... Việc giao dịch điện tử giúp giảm trừ được nạn gửi giá vào thép.
Theo một nhà quản lý giá của Bộ Công thương, trong đợt đoàn liên ngành kiểm tra thị trường thép vừa qua, thực tế cho thấy các doanh nghiệp từ sản xuất đến kinh doanh thép hưởng lợi không nhiều, nhưng việc mua, bán thép phải qua quá nhiều vòng, tầng, nấc khiến giá bị đẩy lên cao.
Ông Nghi cho biết, Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công nghiệp đã chủ trì nghiên cứu đề án bình ổn giá thép. Tới đây, các chuyên gia sẽ tìm hiểu các mô hình sản xuất, quản lý và phân phối thép của các nước có điều kiện giống Việt Nam. “Hy vọng, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều cách làm hay của các nước. Ví dụ như Trung Quốc, họ cũng có những thời kỳ sản xuất và quản lý thị trường thép giống Việt Nam, nay họ đã làm rất tốt!”, ông Nghi nói.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Để mặt hàng thép trên thị trường sẽ không bị đẩy giá lên qua các khâu trung gian, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Bộ Công Thương về việc các nhà máy thép cần phải tổ chức khâu bán hàng hiệu quả. Mặt hàng thép phải được bán tới tận “chân” các công trình xây dựng, theo nhu cầu sử dụng; ngoài việc bán buôn, các nhà máycần tăng cuờng hệ thống bán lẻ cho người tiêu dùng. Trước đây, Bộ Công thương đã có riêng văn bản hệ thống phân phối mặt hàng thép, tuy nhiên, cần phải có cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn để kiểm soát các hệ thống phân phối đại lý thép.
Hiện nay, nếu thép cứ mua đứt, bán đoạn thì rất khó kiểm soát. Nhà máy sản xuất thép tổ chức hệ thống bán lẻ, đại lý bán lẻ lại không thuộc hệ thống nên đã đẩy giá lên khiến cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát. Ví dụ đối với hệ thống đại lý xăng dầu, ngoài việc được nhận tỷ lệ hoa hồng khi bán hàng nhưng doanh nghiệp xăng dầu đều yêu cầu các đại lý cam kết bán mức giá định hướng tốt chứ không như mặt hàng thép.
DiaOcOnline.vn - Theo Công Thương