Về đâu thép Việt?

Cập nhật 28/08/2009 09:30

Chọn mua thép tại một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt chiều 27-8. Ảnh: Đức Trí.
 

Đầu tháng 9-2009, Tập đoàn Thép Việt sẽ khởi công xây dựng giai đoạn 2 nhà máy luyện phôi thép tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, nâng tổng công suất luyện phôi của Tập đoàn Thép Việt lên 1 triệu tấn/năm, trở thành doanh nghiệp luyện phôi thương hiệu Việt lớn nhất Việt Nam. Nghe tin này, một chuyên gia trong lĩnh vực thép nói: “Trong tình hình hiện nay, đây là một quyết định khá mạo hiểm mà chỉ có ông Thái (Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tập đoàn Thép Việt), người quá đam mê xây dựng một thương hiệu thép cho người Việt mới dám làm…”. Vì sao?

Cơn sóng ngầm được báo trước

Những diễn biến đầu tư trong lĩnh vực thép 3 năm trở lại đây đã khiến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam “co vòi” lại, người nào “mơ mộng” hoặc đam mê lĩnh vực này lắm cũng chỉ dám đầu tư nhỏ giọt cho gia công chứ không dám đầu tư vào luyện phôi… Những siêu dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đổ vào ngành thép trong thời gian qua đã và đang báo trước cơn sóng ngầm có nguy cơ xóa sổ các thương hiệu thép Việt Nam; trong đó chủ yếu là các thương hiệu thép của các tập đoàn, công ty tư nhân trong nước.

Gần đây nhất, cuối tháng 11-2008, dự án Khu liên hợp thép Cà Ná (huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận) đã khởi công giai đoạn 1 (2008-2010). Đây là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Lion (Malaysia) với Vinashin có công suất 14,42 triệu tấn thép/năm.

Trước đó không lâu, Khu liên hợp thép Formosa - Sunco tại Hà Tĩnh (với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD, công suất 15 triệu tấn/năm) cũng đã được khởi công.

Ngoài ra thỏa thuận hợp tác xây dựng “siêu” dự án liên hợp thép do Tập đoàn Tata Steel Ấn Độ với Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đầu tư (khoảng 5 tỷ USD, trong đó Tata nắm giữ 65% cổ phần, Việt Nam 35%, công suất 4,5 triệu tấn/năm) cũng đã được ký kết… Trên đây chỉ là 3 trong số hàng chục dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thép đã được khởi công.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng với quy mô những dự án vừa được cấp phép, trong 5-7 năm nữa, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ có những “bước tiến vượt bậc”, nhưng do có quá nhiều nhà máy liên hợp nên sẽ dẫn đến cung vượt cầu quá lớn.

“Khi các “siêu dự án” đi vào hoạt động, lượng thép ra lò từ đây sẽ chiếm tỷ trọng và thị phần cao hơn nhiều so với thép do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Khi đó, kết quả “cuộc chiến” không cân sức sẽ càng rõ hơn, nếu không bị “tiêu diệt”, bị thôn tính thì các thương hiệu thép Việt cũng chỉ chiếm thị phần bé nhỏ và toàn bộ thị trường thép của Việt Nam sẽ bị chi phối bởi những “đại gia” nước ngoài.

“Cuộc chiến” không cân sức

Một chuyên gia kinh tế phân tích, trong “cuộc chiến” cạnh tranh giữa các thương hiệu thép Việt Nam với các “siêu dự án” đã và đang được cấp phép đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đã không được đối xử bình đẳng trên nhiều lĩnh vực. Điển hình nhất là vị trí xây dựng dự án. Có những địa điểm mà nằm mơ các doanh nghiệp trong nước cũng không dám nghĩ mình sẽ có được là khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) hay Dung Quất (Quảng Ngãi)…

Đây là những điểm có thể xây dựng cảng nước sâu - một lợi thế cực kỳ to lớn đối với doanh nghiệp sản xuất thép vì có thể chủ động hoàn toàn việc xuất nhập thép và các nguyên liệu cho ngành thép. Trong đó, đặc biệt khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) - nơi có mỏ nguyên liệu cho ngành thép lớn nhất Việt Nam. Điều đáng buồn là các địa điểm này đã được “ưu tiên” giao cho những đứa con “ngoại” là Formosa - Sunco, Tata Steel tại Hà Tĩnh; Tycoon - E.United tại Dung Quất và Tập đoàn Lion (Malaysia) tại Ninh Thuận…

Trong khi quặng trong nước rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước phải nhập quặng và thép phế liệu từ nước ngoài về để luyện phôi. Được biết, nhiều “đại gia” trong lĩnh vực thép của Việt Nam đang xem xét và chuyển hướng đầu tư, như Tôn Hoa Sen xem lại hiệu quả của dự án xây dựng nhà máy luyện phôi, cán thép nóng có tổng giá trị gần 200 triệu USD, trong đó phương án dừng triển khai được đặt lên hàng đầu.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cho biết: “Trước tình hình hiện nay, chiến lược kinh doanh sắp tới của Tôn Hoa Sen là phát triển hệ thống bán lẻ, gia công, sản xuất những sản phẩm sau thép…”.

Cần chính sách ưu đãi doanh nghiệp trong nước

Một “cuộc chiến” không cân sức bắt đầu diễn ra giữa những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI) có vốn lớn, được nhiều ưu đãi, được cấp phép đầu tư ở những vị trí “vàng” với những doanh nghiệp tư nhân trong nước đã, đang vươn lên bằng chính nội lực của mình. Bây giờ, họ phải chống chọi với những gã “khổng lồ” nhưng lại nhận được rất ít sự ưu ái từ chính sách của nhà nước. Tại sao vậy? Các quốc gia khác chỉ cho phép nước ngoài góp vốn 30% vào các dự án trong lĩnh vực thép, tại sao Việt Nam lại có quá nhiều dự án FDI? Đó là những vấn đề mà những người quan tâm đến ngành thép Việt Nam đang đặt ra.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng một số mục tiêu quan trọng khi khuyến khích đầu tư nước ngoài là thu hút ngoại tệ, tiếp cận các nguồn công nghệ mới, hiện đại, tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ… Để đạt được các mục tiêu trên, chính sách ưu đãi, khuyến khích FDI phải có liều lượng và tỷ lệ thích hợp theo từng giai đoạn, từng ngành nghề để sản xuất trong nước của Việt Nam không bị bóp chết…

Khi nói về các siêu dự án thép vừa được cấp phép đầu tư vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Hiện chúng ta đang ưu đãi tài nguyên, đất, quyền kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp tư nhân trong nước đã không có được nhiều sự ưu ái. Trong khi họ lại là thành phần có đóng góp rất nhiều cho xã hội, từ giải quyết việc làm, hiệu quả sử dụng đồng vốn và đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế. Cân đối đầu tư, cơ chế, chính sách sòng phẳng, xem xét kỹ khi cấp phép đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài và trong nước để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng