Ứng phó với "cáo buộc" thép Trung Quốc đội lốt thép Việt

Cập nhật 10/12/2017 09:04

Tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng không loại trừ việc Trung Quốc lợi dụng tâm lý ham mua rẻ, bán đắt của doanh nghiệp Việt để đưa sản phẩm thép của họ qua Việt Nam để xuất sang Mỹ

Trước quyết định sơ bộ khẳng định sản phẩm thép carbon chống ăn mòn (tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVA) từ phía Mỹ, Bộ Công Thương đã kịp thời trấn an doanh nghiệp (DN) trong nước: "Quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể để tạo ra sản phẩm đó".

Sớm tìm tài liệu để chứng minh ngược lại

Theo số liệu hải quan, từ năm 2012 tới nửa đầu 2016, 2 DN xuất khẩu thép carbon chống ăn mòn sang Mỹ nhiều nhất là Tập đoàn Hoa Sen và Công ty TNHH Kinh doanh Nippon Steel & Sumikin Việt Nam; còn Công ty TNHH Posco Việt Nam dẫn đầu sản phẩm thép cán nguội xuất sang Mỹ. Số liệu thống kê cũng ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu 2 sản phẩm thép nói trên với Mỹ tăng đáng kể từ 97 triệu USD năm 2015 lên hơn 183 triệu USD nửa đầu 2016. Với mức tăng trưởng lớn như vậy, không tránh khỏi việc thép Việt bị "để ý".

Về những việc phải làm để ứng phó với cáo buộc nói trên, trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Bộ Công Thương cho biết Cục Quản lý Cạnh tranh đã thông báo rộng rãi trên trang điện tử của cục về việc Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra để các DN có thể sớm biết thông tin và có kế hoạch xử lý. Bộ cũng thường xuyên liên lạc, trao đổi với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và một số DN liên quan hoặc DN có quan tâm để nắm thông tin và hỗ trợ DN. Bộ cũng cho biết đã tổ chức họp với sự tham dự của VSA và các DN để thảo luận và cập nhật phương hướng xử lý đối với vụ việc. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã gửi thư bày tỏ quan điểm về vụ việc, trong đó, nhấn mạnh Mỹ cần dựa vào Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO trong quá trình điều tra, đồng thời, tuân thủ các kết luận trước đây của chính Mỹ.

"Bên cạnh đó, do nội dung chính mà Mỹ điều tra là nguyên liệu đầu vào của DN có xuất xứ từ Trung Quốc nên trong trường hợp Mỹ vẫn kết luận rằng một số công ty sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam lẩn tránh thuế thì Mỹ cần có cơ chế cho phép nếu DN chứng minh rằng họ không còn sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nữa thì sẽ được loại khỏi biện pháp chống lẩn tránh thuế" - đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng kiểm tra lại các thông tin về chứng cứ cáo buộc của Mỹ, tìm các tài liệu chứng minh ngược lại Ảnh: Hoàng Triều

Thực tế, theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), về nguyên tắc, để một hàng hóa nào đó được hưởng ưu đãi về thuế suất thì cần đáp ứng được tiêu chuẩn về xuất xứ theo các cam kết hoặc các hiệp định đã ký với các nước. "Trong vụ việc này, chưa thể nói bên nào đúng, bên nào sai. Mỗi quốc gia nơi có DN được hưởng ưu đãi thuế cần nắm vững quy tắc xuất xứ để tổ chức sản xuất, xuất khẩu, bảo đảm hàng của quốc gia mình chứ không phải hàng nước thứ 3 "mượn đường" xuất khẩu" - ông Huỳnh nêu ý kiến.

Luật sư Lê Thành Kính, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, góp ý DN nhanh chóng kiểm tra lại các thông tin về chứng cứ cáo buộc của Mỹ, tìm các tài liệu chứng minh ngược lại, bao gồm thông tin về quy trình, chi phí sản xuất… Tất nhiên, việc này cần sự trợ giúp lớn từ Bộ Công Thương.

Tỉnh táo để tránh bị lợi dụng

Giới chuyên gia trong ngành cho rằng nhà nước và DN cần phải tỉnh táo nhìn nhận những bài học sâu sắc thông qua các vụ kiện thương mại. Nhất là, đây không phải lần đầu Việt Nam bị kiện xuất xứ. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ từng có ý định kiện máy lạnh sản xuất ở Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc.

Theo luật sư Lê Thành Kính, thực tế có trường hợp DN trong nước chỉ nghĩ đến mục tiêu làm sao để "mua rẻ bán đắt" kiếm lời, dẫn đến mua luôn thành phẩm, đổi nhãn mác thành của Việt Nam và xuất đi một nước khác. "Chính bởi DN Việt có tâm lý như vậy nên đã vô tình tiếp tay cho hàng Trung Quốc mượn đường xuất khẩu. Cần phải nhớ rằng năm 2015, Mỹ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVA đối với 2 sản phẩm thép của Trung Quốc. Năm 2016, Mỹ chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ; mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44% đối với thép cán nguội Trung Quốc. Họ không còn con đường nào khác là đi qua Việt Nam" - luật sư Lê Thành Kính chỉ rõ.

Đứng về góc độ kinh doanh trong nghề nhiều năm, tổng giám đốc một công ty thép sản xuất trong nước cho rằng phía Mỹ có lý do khi đưa ra quyết định như vậy đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Bởi họ không chấp nhận tôn mạ nhập khẩu nguyên liệu 100% từ Trung Quốc, sau đó chỉ thực hiện công đoạn cán nguội và đóng dấu made in Việt Nam và xuất sang nước họ. "Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam rất nhiều nên họ sẵn sàng từ chối các sản phẩm có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc với tỉ lệ 80% trở lên" - vị này chia sẻ.

Theo Chủ tịch VIAC Trần Hữu Huỳnh, trong làm ăn với các đối tác, luôn phải lưu ý cập nhật quy trình sản xuất có thay đổi so với cam kết không, chính sách của bạn hàng dành cho ta có thay đổi không? Nếu có thay đổi, họ có báo trước cho Việt Nam không? Ngoài ra, bản thân người Việt cũng phải tỉnh táo trước những bài học về lẩn tránh thuế để không bị lợi dụng. "Có chuyện DN của nước A bị đánh thuế chuyển sang nước B với danh nghĩa có gia công, chế biến nhưng thực chất không đến nơi đến chốn, khi nước B bị "sờ gáy" thì họ lại giải tán, chạy sang đầu tư vào nước C khác. Hải quan một số nước từng phải đi "săn" những DN dạng này" - ông Huỳnh dẫn chứng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng từng cảnh báo nếu DN Việt làm ăn theo hình thức nhập hàng từ Trung Quốc, gắn lại nhãn mác Việt Nam để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho lô hàng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chính các DN bởi phải đối mặt với những vụ kiện lẩn tránh thuế, mạo danh xuất xứ. Không những thế, còn ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia trong giao thương quốc tế.

Ông Đinh Công Khương - Chủ nhiệm CLB các doanh nghiệp thép tại TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai:

Mỹ cũng có cơ sở của họ

Mỹ cũng có cơ sở để áp dụng thuế cao để "trị" thép Trung Quốc núp bóng Việt Nam. Bởi vì nguồn nguyên liệu là phần chiếm giá trị lớn nhất trong sản phẩm, vì vậy việc nhập thép nguyên liệu từ Trung Quốc rồi chỉ cán nguội, mạ thêm một phần thì không thể được coi là thép Việt Nam. Mỹ chắc chắn là cũng đã điều tra và lập luận rất kỹ .

Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước thép hiếm, hầu như chỉ có Formosa cung cấp số lượng lớn, còn lại phần lớn các DN phải đi nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, trừ một số DN có thể sản xuất thép xây dựng từ nguyên liệu quặng của mình. Vì vậy các DN sản xuất thép công nghiệp, tôn mạ nên tìm cách ứng phó hợp lý.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên:

Không quá lo lắng

Hiện nay cũng có nhiều DN họ làm việc chủ yếu với thép Trung Quốc để nhập nguyên liệu và xuất khẩu đi Mỹ nên dễ gặp khó khăn khi Mỹ áp dụng hình thức phòng vệ thương mại này. Nếu Mỹ quyết định áp thuế với tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam sẽ ảnh hưởng một phần đến DN trong nước. Tuy nhiên, nếu chủ động và biết ứng phó, chứng minh rõ ràng nguồn gốc sản phẩm của mình thì không phải lo lắng quá.

Thực tế bản thân DN tôi đã biết trước điều này. Vì vậy để ứng phó, công ty đã phải nhập các nguyên liệu từ các nước khác, có giá nguyên liệu khá rẻ, một vài nước rẻ hơn đến 10%, như Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc…

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC):

Cẩn trọng với nhà đầu tư có mục đích "né thuế"

Cơ quan chức năng phải thường xuyên theo dõi để nắm được nước nào bị đánh thuế trợ cấp, bán phá giá và nguy cơ DN nước đó có thể chạy sang nước khác để tránh thuế. Những danh mục bị đánh thuế thường được đăng tải trên các trang thông tin của hải quan, tạp chí chuyên ngành. Người làm chính sách phải tìm hiểu những điều này để hướng dẫn DN, tìm ra bản chất những nhà đầu tư né thuế, bảo vệ lợi ích nói chung của cộng đồng DN Việt Nam một cách hợp pháp, chứ không phải khuyến khích đầu tư bằng mọi giá.



DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ