Trung tâm đồ gỗ trong cơn “say sóng”

Cập nhật 18/03/2009 16:10

Bình Định được xem là một trong ba trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu (CBGXK) lớn của Việt Nam đang lâm vào tình trạng khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp CBGXK ở Bình Định chủ yếu sản xuất các mặt hàng đồ gỗ ngoài trời, hàng nội thất tuy có, nhưng rất ít, chiếm chỉ khoảng 5%.

85% doanh nghiệp không có đơn hàng

Theo ban Quản lý các khu công nghiệp và hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu tỉnh Bình Định, các doanh nghiệp CBGXK đang hoạt động sản xuất cầm chừng, chủ yếu thực hiện các đơn hàng năm trước, đơn hàng cho kế hoạch năm nay hầu như chưa có gì. Ông Hồ Văn Hoà, phó ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Định, cho biết, hiện tại, hơn 85% doanh nghiệp CBGXK ở hai khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2009; hai mươi nhà máy đã thu hẹp sản xuất, cắt giảm trên hai ngàn lao động. Đến hết tháng 3 này, có khả năng nhiều nhà máy nữa phải đóng cửa, hàng ngàn công nhân sẽ thiếu việc làm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp CBGXK trên địa bàn tỉnh còn tồn kho đến trên hai trăm ngàn mét khối gỗ nguyên liệu các loại được mua bằng tiền vay ngân hàng với lãi suất cao trong năm 2008, với tổng trị giá hơn một ngàn tỉ đồng.

Tại công ty TNHH Trí Tín (KCN Phú Tài), nơi tạo việc làm cho gần một ngàn lao động CBGXK, đang sản xuất cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Thâm, giám đốc công ty nói: “Dù đã tạm ngưng thu mua gỗ nguyên liệu từ tháng 8.2008, nhưng đến nay, doanh nghiệp chúng tôi vẫn còn tồn kho 6.465m3 gỗ tròn và 800m3 gỗ xẻ, với tổng giá trị gần một trăm tỉ đồng từ tiền vay với lãi suất cao trong năm 2008”.

Tranh thủ luyện nghề, làm thương hiệu


Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi từ gói kích cầu để tái đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất và nâng cao tay nghề cho người lao động. Ông Nguyễn Thế Trung, phó giám đốc công ty TNHH Gỗ Phú Hiệp, nói: “Công ty đang triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm tối đa, nhưng không được giảm chất lượng. Công ty vay vốn ưu đãi để đầu tư thiết bị hiện đại, tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, để tăng tính cạnh tranh trên thị trường”.

UBND tỉnh Bình Định đã quyết định xem xét hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề và xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường mới.

Tỉnh Bình Định hiện có gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CBGXK. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp CBGXK trên địa bàn chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị