Đầu năm 2008, Trung Quốc đã nâng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25% và thép thành phẩm từ 10% lên 15%. Quyết định này đã làm cho giá phôi thép, thép trên thị trường khu vực tăng mạnh.
Hiện giá phôi thép Trung Quốc chào bán sang Việt Nam đã tăng lên mức 710 - 720 USD/tấn. Nguồn phôi nhập khẩu từ các nước khác như Nga, Ucraina cũng ở mức 670 - 690 USD/tấn nhưng chi phí vận chuyển cao do đường xa. Mặc dù giá chào từ Trung Quốc khá cao, nhưng các DN cho biết nguồn phôi thép cũng rất khan hiếm, nhiều nhà cung cấp đã tạm ngừng và giảm xuất khẩu phôi.
Bên cạnh đó, giá thép phế đầu năm 2008 cũng đã tăng khá mạnh. Cuối năm 2007 giá thép phế còn mức 360 USD/tấn, thì nay đã tăng tới 420 USDD - 440 USD/tấn.
Giá phôi thép tăng đã làm cho giá thép trong nước tăng theo. Các DN đã tăng giá thép từ 100.000 đồng - 400.000 đồng/tấn vào đầu năm 2008. Hiện giá thép của các DN thuộc Tổng Công ty Thép từ 11.600.000 đồng - 11.800.000 đồng/tấn chưa có VAT, còn với các DN khác, giá thép đã trên 12.000.000 đồng - 13.000.000 đồng/tấn, Công ty Thép Việt Ý cho biết giá thép bán ra của họ đã là 13.000.000 đồng/tấn chưa có VAT. Còn giá thép trên thị trường đã vượt ngưỡng 15.000.000 đồng/tấn.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép chưa dừng tại đây. Giá thép bán ra hiện chỉ tương đương với giá phôi 670 USD/tấn. Thời gian tới khi sử dụng phôi nhập khẩu với giá mới thì giá thép sẽ còn tăng.
Ngoài ra, nếu giá quặng sắt sắp tới tăng thêm 30% và than mỡ tăng thêm 20% thì giá phôi thép, thép sẽ còn bị đẩy lên nữa. Theo dự báo thì giá phôi thép thời gian tới có thể sẽ tăng tới 770 USD/tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam lo ngại, trong khi thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép của Trung Quốc tăng thêm 10% thì thép thành phẩm chỉ tăng thêm 5% điều này làm cho thép thành phẩm của Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh với thép sản xuất trong nước, nhất là với những DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phôi nhập khẩu.
Theo tính toán thì thép cuộn trong nước sẽ không thể cạnh tranh với thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay mức chênh lệch giữa thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc với thép sản xuất trong nước là hơn 100.000 đồng/tấn nhưng với mức thuế mới thì mức chênh lệch tính ra sẽ cao hơn vào khoảng trên 200.000 đồng/tấn. Vì vậy chắc chắn các DN trong nước sẽ giảm và ngừng sản xuất thép cuộn và mặt hàng này thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Trong tháng 12/2007 lượng thép cuộn nhập khẩu là 57.000 tấn.
Không những thế mặt hàng thép cây cũng sẽ gặp thêm khó khăn. Thời gian qua thép cây Trung Quốc chưa thâm nhập được vào thị trường Việt Nam, nhưng nếu các DN thấy chênh lệch lớn, nhập khẩu lợi hơn sản xuất thì rất có thể lại thuê đối tác Trung Quốc gia công và gắn thương hiệu Việt Nam đưa về nước bán, đặt ngành sản xuất thép vào thế cạnh tranh căng thẳng.
Theo VietNamNet