Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, sẽ có 5 địa phương bao gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ sẽ thực hiện thí điểm sử dụng các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng.
Sử dụng vật liệu nhằm tiết kiệm năng lượng được khuyến khích (Ảnh minh họa)
|
Đó là dự án "Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng" nằm trong khuôn khổ chương trình Năng lượng sạch Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện.
Theo đó các địa phương sẽ được hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý, thu thập, phân tích, xây dựng và sử dụng dữ liệu năng lượng trong xây dựng. Cụ thể là việc sử dụng năng lượng tại các tòa nhà văn phòng, bệnh viện, khách sạn, chung cư, trường học, toà nhà thương mại...
Ông Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Nếu các giải pháp được thực hiện sẽ giúp tiết kiệm khoảng 10-15% năng lượng tiêu hao. Mặc dù chi phí đầu tư có phát sinh cao hơn khoảng 5%, tuy nhiên thời gian thu hồi vốn nhanh, quan trọng nhất là mang lại hiệu quả lâu dài”.
Trên thực tế, một số tòa nhà ở Việt Nam đã có những đầu tư về thiết bị công nghệ, vật liệu hiện đại, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm thiểu tác động tới môi trường. Đơn cử như siêu thị Big C Dĩ An tại Bình Dương đã sử dụng nguồn điện từ 1.450 m2 pin năng lượng mặt trời; Lớp vỏ công trình cách nhiệt tường và kính cản nhiệt; đèn chiếu sáng LED, đèn chiếu sáng tự nhiên và T5 tiết kiệm năng lượng; bồn trữ đá công nghệ Fafco cho phép nạp lạnh về đêm (trong giờ thấp điểm) và xả lạnh ban ngày (trong giờ cao điểm) nhằm tiết kiệm tối đa chi phí điện. Hệ thống vòi nước hạn chế lưu lượng dòng chảy tự động ngắt khi không có nhu cầu sử dụng…
Ông Mai Văn Huyên - Trưởng đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh tại Hà Nội- chia sẻ: Việc thực thi các giải pháp TKNL trong lĩnh vực xây dựng, cụ thể là các tòa nhà vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất vẫn liên quan đến khó khăn về tài chính. Ngoài ra các chủ đầu tư chưa quyết liệt, chưa sẵn sàng đầu tư thực hiện các chương trình TKNL. Các rào cản kỹ thuật như công nghệ, thiết kế, công thức tính toán hiệu quả hoàn vốn đầu tư. Thêm vào đó từ trước tới nay, chúng ta mới kêu gọi tự nguyện thực hiện, chưa có cơ chế khuyến khích cụ thể để thúc đẩy việc thực hiện TKNL.
Theo nhiều chuyên gia, ưu tiên phát triển đô thị xanh, trong đó có các tòa nhà, sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch... tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải là việc cần thiết. Đối với các công trình xây dựng mới sẽ dễ dàng áp dụng hơn, nhưng còn các tòa nhà cũ xây dựng từ lâu với thiết kế cũ, hoặc sử dụng vật liệu, trang thiết bị cũ, thì sẽ khó thực hiện nếu không có giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Với 766 đô thị, hàng chục ngàn tòa nhà có diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên, chỉ cần tiết kiệm 10% năng lượng thì mỗi năm Việt Nam sẽ tiết kiệm tỷ đô la chi phí điện nước, xử lý chất thải. Ngoài ra còn giảm được khối lượng lớn khí thải carbon ra môi trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Công thương