Tràn ngập gạch Trung Quốc

Cập nhật 14/08/2012 08:25

Có thể nói chưa bao giờ ngành vật liệu xây dựng lại chứng kiến lượng hàng Trung Quốc “đổ bộ” nhiều như hiện nay. Tại TP.HCM, khắp các con phố chuyên vật liệu xây dựng tràn ngập đồ “made in China”.

Từ hàng cao cấp đến hàng kém chất lượng bán với giá bèo...

Gạch men Trung Quốc được bày bán tại một cửa hàng nội thất trên đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang “thoi thóp” với số lượng hàng tồn chất đống thì hàng nhập từ TQ đi bằng nhiều con đường khác nhau vẫn không ngừng gia tăng lượng nhập.

Thượng vàng hạ cám!


Khảo sát tại hàng loạt cửa hàng vật liệu xây dựng trên các đường Thành Thái, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Bạch Đằng... các sản phẩm gạch, giấy dán tường, gỗ ép chiếm 70-90% là hàng TQ, muốn kiếm một món hàng Việt cũng khó!

"Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần về vấn đề tình trạng gian lận thương mại của hàng TQ, thế nhưng tình trạng này vẫn có chiều hướng diễn biến càng nghiêm trọng. Đây cũng là lý do khiến ngành sản xuất gạch ốp lát trong nước lâm vào tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản"

Ông Đinh Quang Huy (chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN)
Dân xây dựng “kháo” nhau trên đường Lý Thường Kiệt (Q.11) có một... “thiên đường” gạch TQ với những kho gạch khổng lồ chuyên phân phối hàng từ TQ về cho các nhà thầu đủ mọi thể loại.

Khi chúng tôi vào kho gạch thuộc chi nhánh của Công ty TP, đập vào mắt là những “núi” gạch cao ngất ngưởng, hàng loạt người bốc vác làm việc liên tục trong kho, ở ngoài cổng những chiếc xe tải hạng nhẹ ra vào “ăn hàng” không ngớt... Một nữ nhân viên ở đây xởi lởi: “Nếu muốn tìm chỗ phân phối gạch TQ thì đến đây là đúng địa chỉ rồi, muốn loại nào cũng có!”. Tuy nhiên khi hỏi mua hàng, các nhân viên ở đây cho biết phải thông qua đội ngũ nhân viên tiếp thị mới mua được, rất cẩn trọng và không tiết lộ bất cứ thông tin nào về hàng hóa...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại một số kho vật liệu xây dựng chuyên nhập hàng TQ về đều có một đội ngũ gọi là “nhân viên tiếp thị” ở mỗi địa bàn quận huyện có một nhóm phụ trách. Công việc của nhóm này là điều tra lai lịch của công ty cần mua hàng trước, sau đó mới tiếp thị hàng TQ. Hiện giá gạch TQ dao động từ 165.000-600.000 đồng/m2 (tùy loại) với mẫu mã vô cùng phong phú. Một nhân viên bán hàng cho biết nếu mua với số lượng lớn sẽ có luôn các thương nhân TQ đưa hàng qua chào tận nơi và thỏa thuận giá cả nên rất thuận tiện.

Ông T., nhà thầu xây dựng HQ (Q.Bình Tân), thừa nhận để kiếm được chút lời trong các công trình chỉ còn biết dựa vào việc “độn” hàng TQ... càng nhiều càng tốt trong quá trình thi công. “Mua gạch trong nước cao hơn gạch TQ từ vài chục ngàn đồng/m2 thì còn gì là lời” - ông cho hay. Trong khi đó, giới “đánh” gạch TQ nhập khẩu cho biết khi hàng về đến VN, bao bì bên ngoài của gạch TQ đều bị lột hết. Thay vào đó, tên của đơn vị nhập hàng sẽ được viết tắt và dán trên góc của thùng hàng để các cửa hàng lấy bán dễ dàng phân biệt nguồn cung. Nhiều nhà thầu còn khẳng định nếu biết tận “lò” của các đầu mối nhập gạch TQ, có thể lấy được giá rẻ hơn giá bán lẻ ngoài thị trường ít nhất 30.000 đồng/m2 vì không phải qua nhiều khâu bán lẻ trung gian.

“Ăn theo” gạch là các loại ván lót sàn. Đi đâu cũng thấy ván lót sàn có nguồn gốc TQ bày bán la liệt tại các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng vật liệu xây dựng. Tại một cửa hàng lớn trên đường Tô Hiến Thành, Q.10, một nhân viên ở đây khẳng định chủ yếu là bán hàng TQ, giá rẻ bằng một nửa so với các loại hàng xuất xứ từ các nước khác. “Tùy khách hàng yêu cầu mà mình nhập về, các đại lý ở tỉnh rất chuộng mặt hàng này, thời gian gần đây bên em tiêu thụ mấy container ván lót sàn TQ” - nhân viên này cho hay.

Chi hàng triệu USD nhập gạch từ Trung Quốc

Theo VIBCA, trong 26,59 triệu USD kim ngạch nhập khẩu mặt hàng gạch và sứ vệ sinh bảy tháng đầu năm 2012 thì nhập khẩu gạch từ TQ là 23,074 triệu USD, nhập khẩu sứ vệ sinh khoảng 888.000 USD. Số liệu này chưa tính nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và hàng lậu biên giới.
Mặt hàng đồ gỗ nội thất cũng tràn ngập hàng TQ. Vào gian hàng gỗ nội thất tại siêu thị Sài Gòn (Q.10), các nhân viên bán hàng... người TQ cho biết ở đây thời gian trước có cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất VN nhưng bán không được nên họ thuê lại mặt bằng để bán hàng TQ cho tiện! Khoe còn có một cơ sở bên Thuận Kiều Plaza (Q.5) với năm kho chứa hàng to đùng, một nhân viên người Việt ở cửa hàng này nói: “Tuy hàng TQ chất lượng không bằng VN nhưng mẫu mã đa dạng, giá rẻ nên bạn hàng từ Bình Dương, Bình Phước, Long An... mua sỉ, lẻ rất nhiều”.

“Đuối” sức cạnh tranh

Không phải đến hôm nay thực trạng các sản phẩm trong ngành vật liệu xây dựng, trang trí nội thất có nguồn gốc từ TQ lấn át hàng trong nước mới xuất hiện. Việc gạch ốp lát TQ nhập lậu, gian lận thương mại, trốn thuế qua đường biển, biên mậu hay từ đường nhập khẩu chính ngạch đã xảy ra vài năm gần đây.

Do bị cạnh tranh dưới nhiều hình thức nên nhiều doanh nghiệp trong nước điêu đứng, hàng tồn kho chất đống. Ông Đinh Quang Huy, chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN (VIBCA), cho biết hiện các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát các loại chỉ chạy 70-75% công suất thiết kế, nhưng cũng không tiêu thụ hết số lượng đã sản xuất ra. Theo ước tính của ông Huy, đến hết tháng 7-2012 lượng gạch ốp lát còn tồn kho lên đến hàng chục triệu mét vuông, một mức khá lớn so với công suất sản xuất đã được tiết giảm.

VIBCA từng có công văn kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan đề nghị không cho phép nhập khẩu xương gạch ceramic, granite vào VN, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh do gian lận gây nên. Cũng theo ông Huy, gian lận thương mại phổ biến nhất hiện nay xuất hiện dưới hình thức doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình hóa đơn mua hàng từ TQ với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế từ 50-70%, kê khai số lượng nhập khẩu ít hơn số lượng thực tế, sử dụng hóa đơn quay vòng và hợp thức hóa việc thông quan núp dưới hình thức “cho nhu cầu sử dụng”.

Do vậy, dù thuế suất nhập khẩu gạch từ TQ theo đường chính ngạch đang ở mức 25% (hoặc cao hơn tùy mã hàng), nhưng do khai báo quá thấp, thuế nhập khẩu mà Nhà nước thu về chẳng đáng là bao trên giá trị khai khống của doanh nghiệp nhập khẩu.

Ông Nguyễn Phan Long (phụ trách vật tư Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa, Q.Tân Bình):
Loại nào giá cũng rẻ


Tôi nghĩ gạch TQ chưa hẳn được nhiều người tiêu dùng Việt yêu thích. Nhưng nếu để lựa chọn về giá cả, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cái nào rẻ thì được chọn là điều tất yếu. Trong khi gạch TQ loại nào cũng có, từ thượng vàng đến hạ cám, và cho dù ở phân cấp nào giá bán cũng ở mức rẻ nhất. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho các sản phẩm cùng cấp với TQ, vì tính ra giá của hàng TQ rẻ hơn hàng sản xuất trong nước trung bình khoảng 30%, còn thị phần thống lĩnh tôi nghĩ chắc cũng phải trên 70%.



DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ