TP.HCM: Vật liệu xây dựng giảm giá mạnh

Cập nhật 29/04/2009 14:45

Sức mua trên thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) có xu hướng giảm xuống, trong khi đó mùa mưa đang đến gần. Điều này khiến nhiều cửa hàng VLXD tìm mọi cách để đẩy hàng thu hồi vốn.

Theo các cửa hàng VLXD, các công trình lớn ít “ăn” hàng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường VLXD chùng xuống trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, việc đẩy hàng đi trong giai đoạn này là cả một vấn đề khi mà thị trường bất động sản (BĐS) không mấy sáng sủa.

Giảm giá để “kéo” khách

Không chỉ giảm về số lượng, những tháng đầu năm 2009, nhiều mặt hàng VLXD đã giảm giá mạnh nhưng sức mua vẫn chưa có dấu hiệu “ấm” lên.

Tại TP.HCM, giá các loại VLXD giảm mạnh so với tháng trước đó. Hiện giá xi măng Hà Tiên 1 giảm từ 75.000-78.000 đồng/bao xuống còn 70.000-71.000 đồng/bao, xi măng Holcim, Sao Mai còn 69.000 đồng/bao, gạch giảm từ 650 đồng/viên xuống còn 550 đồng/viên…

Giá các mặt hàng sơn nước giảm khoảng 10%, các loại la phông, cửa nhựa... cũng giảm từ 15-20%, gạch men lát nền giảm 5.000 đồng/m2, cát vàng giảm khoảng 7.000 đồng/m3… so với cùng kỳ năm 2008.

Theo các cửa hàng VLXD, doanh số các loại VLXD giảm từ 30-50% so với cùng kỳ 2008. Mặc dù trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong lĩnh vực xây dựng nhưng hiện tại sức tiêu thụ VLXD vẫn rất yếu.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Việt cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã 7 lần giảm giá bán, ngoài ra mức chiết khấu cho các đại lý cũng tăng từ 1 triệu đồng/tấn lên 1,5 triệu đồng/tấn, song sức tiêu thụ thép vẫn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2008. Ngoài ra, lượng thép tồn kho lên đến hơn 200.000 tấn.

“Công ty dùng nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng nhưng sức mua vẫn khá thấp. Nếu không tích cực tiếp thị, khuyến mãi, thì doanh số sẽ còn thấp hơn”, ông Thái nói.

KTS.Võ Hữu Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc xây dựng Kiến Xinh cho biết, trước tình hình thị trường VLXD đang nguội dần, công ty đã triển khai hàng loạt gói khuyến mãi cho việc mua sắm nhân dịp 30/4 và 1/5, trong đó các mặt hàng nội thất thông dụng và chi phí thiết kế giảm giá 10% đến 30%. Tuy nhiên, những chính sách trên vẫn không “kéo” được nhiều khách hàng hơn so với cùng kỳ năm 2008.

Giá còn giảm nữa

Anh Đào Nhân, chủ nhà phân phối VLXD ở khu vực Bình Chánh cho rằng, trong thời gian tới thị trường VLXD sẽ còn “thê thảm” hơn gấp bội khi mùa mưa tới. Trong tháng 4/2009 này doanh số của cửa hàng anh Nhân giảm khoảng 10% so với tháng trước đó. “Cửa hàng đang cố đẩy số VXLD còn tồn đọng hàng tỷ đồng, để thu hồi vốn cân nhắc nhập thêm hàng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, đẩy hàng đi là cả một vấn đề”, anh Nhân tính toán.



Hàng loạt công trình phải "đắp chiếu" do thiếu vốn, khiến giá
VLXD càng có xu hướng giảm mạnh hơn. Ảnh: Ca Hảo


Ông Lê Quốc Duy, thành viên HĐQT Công ty Xây dựng Hòa Bình cũng cho biết so với giữa năm 2008 Hòa Bình đã giảm khoảng 30-40% số lượng công trình xây dựng. Hiện đa số các nhà thầu không còn dám “bao” VLXD như trước đây mà chủ đầu tư phải đứng ra lo. Trước đây, nhà đầu tư thường trữ VLXD trước từ 6-12 tháng, thậm chí lâu hơn, tuy nhiên hiện nay VLXD chỉ được nhập về theo kiểu “mì ăn liền”.

Theo KTS. Lê Viết Hùng, giảng viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải 3, gói kích cầu về nhà ở, xây dựng hạ tầng mới đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư, chưa triển khai nên thị trường VLXD cũng bị ảnh hưởng lây. Ông Hùng cho biết thêm, thị trường VLXD “lạnh” trong thời gian gần đây một phần cũng do thị trường BĐS trầm lắng. Hàng loạt dự án lớn không thể triển khai do thiếu vốn đã kéo thị trường VLXD chùng xuống. “Kinh doanh không hiệu quả bắt buộc các doanh nghiệp, các cửa hàng VLXD phải giảm giá để giải phóng hàng”, KTS Hùng lý giải.

Chuyên gia tư vấn BĐS Tô Văn Nhụ cho rằng, cho đến lúc này người dân cũng như nhà đầu tư BĐS đều đang nghe ngóng thị trường. Phân khúc căn hộ cao cấp đang “án binh bất động”, các dự án nhà giá rẻ cũng chỉ được triển khai một cách thưa thớt, trong khi đó lượng thép dư thừa được nhập giá rẻ về Việt Nam hồi đầu năm vẫn chưa sử dụng hết, khiến thị trường VLXD càng thêm khó. “Thị trường VLXD sẽ còn ảm đạm đến hết quý III năm nay, khi mà người dân bắt đầu tu sửa nhà cửa đón Tết và doanh nghiệp BĐS cảm thấy dễ thở hơn”, ông Nhụ dự báo.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet