Tôn thép kém chất lượng làm méo mó thị trường

Cập nhật 07/12/2015 09:59

Tôn thép giả, kém chất lượng được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam đang làm khó và gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp có uy tín trong ngành tôn thép.


Hàng giả đẩy lùi hàng thật

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong vài năm trở lại đây, lượng tôn nhập khẩu gia tăng đột biến. Cụ thể, trong năm 2013, tổng sản phẩm tôn mạ tiêu thụ nội địa là 1,745,9 tấn (nhập khẩu chiếm 37%). Đến năm 2014, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ đạt 1.755,1 tấn, nhưng sản xuất trong nước chỉ còn 57%.

9 tháng đầu năm 2015, lượng tôn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến, chiếm tới trên 30% thị phần trong 9 tháng đầu năm 2015. Nếu như năm 2014, hiện tượng tôn gian, tôn nhái chủ yếu xuất hiện ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội thì hiện nay đã lan ra cả nước. Điều này làm tổn thất nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất tôn mạ trong nước. Ước tính, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2015 các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị tổn thất 935 tỷ đồng.

Hiện nhãn hiệu tôn Hoa Sen của Tập đoàn Hoa Sen đang bị làm giả nhiều nhất trên thị trường vì đại gia này đang nắm gần 40% thị phần của toàn thị trường tôn thép Việt Nam. Tập đoàn chưa thống kê cụ thể con số thiệt hại năm nay, nhưng trong năm 2014, Hoa Sen đã thiệt hại khoảng 118 tỷ đồng, giảm 2,6% thị phần.

Không chỉ các thương hiệu Hoa Sen, Nam Kim, Đông Á bị làm giả, nhái mà ngay cả những thương hiệu mới như Tôn mạ Vnsteel Thăng Long cũng đã trở thành nạn nhân.

Ông Trịnh Đình Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Tôn mạ Vnsteel Thăng Long từng bức xúc trước vấn nạn này. “Chúng tôi mất nhiều thời gian công sức tiền bạc để sản phẩm Tôn Thăng Long và Tôn Việt Ý có chỗ đứng trên thị trường, nhưng khi sản phẩm được chấp nhận cũng là lúc bắt đầu xuất hiện hàng giả, nhái trên thị trường. Số lượng và tần suất ngày càng tăng do các cơ sở xưởng cán nóng (không phải đại lý của Công ty) in nhái thương hiệu lên tôn mạ chất lượng thấp, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và thiệt hại cho Công ty”, ông Hùng cho hay.

Cuộc chiến dai dẳng

Lâu nay thị trường rất bức xúc với chuyện bị in giả nhãn mác trên sản phẩm chất lượng kém được nhập khẩu từ Trung Quốc. Hành vi này xâm phạm đến lợi ích và đã trở thành cuộc chiến dai dẳng đối với các doanh nghiệp lớn, có uy tín trong ngành tôn thép. Tại cuộc hội thảo liên quan đến chủ đề này vừa tổ chức tại Hà Nội, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đều thừa nhận, dù chiến dịch tuyên chiến tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu được thực hiện rốt ráo nhưng thị trường vẫn méo mó.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng như: Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, VSA để ngăn chặn tình trạng tôn gian, tốn kém chất lượng đang được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Trong năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra 1.858 vụ, xử lý vi phạm 889 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa, niêm yết giá, chất lượng...

“Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng tình trạng tôn giả, nhái vẫn chưa được cải thiện nhiều, do chưa được quan tâm đúng mức. Thị trường thép có nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính việc kiểm soát chất lượng của hàng triệu tấn thép tung ra thị trường mỗi năm. Các doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ quan chức năng các dấu hiệu phân biệt hàng thật, giả sản phẩm của họ, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, quy cách kỹ thuật của sản phẩm”, Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA lại chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên nằm ở khâu áp thuế. Theo ông Sưa, Việt Nam vẫn đang đánh đồng mức thuế nhập khẩu của tôn mạ màu, tôn quét vecni và tôn phủ plastic (cùng mức 0%). “Chúng tôi đã kiến nghị lên Tổng cục Hải quan nên tách hai dòng thuế khác nhau. Trong đó, tôn mạ màu hiện nay năng lực sản xuất trong nước đang dư thừa nên cần đánh thuế nhập nhẩu ít nhất 10-15%. Kiến nghị này đã được Tổng cục Hải quan chấp thuận, nhưng phải đến năm 2017 mới thực hiện được vì còn phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Sưa cho biết.

Trong khi chờ đợi, ông Sưa cho rằng, Việt Nam vẫn phải dựa vào công cụ bảo vệ là Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN về quản lý chất lượng tôn thép nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, hơn 2 năm áp dụng, việc quản lý chất lượng qua Thông tư này có nhiều điểm chưa hiệu quả và cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hình thực tế. Có như vậy, doanh nghiệp Việt mới có thể nhận được môi trường cạnh tranh lành mạnh công bằng và sòng phẳng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư