Tính “đường dài” cho xuất khẩu xi măng năm 2015

Cập nhật 18/12/2014 10:24

Trong cuộc chạy đua đầy cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành xây dựng, xi măng (XM) đã về đích trước hẹn với tâm thế đầy tự tin và với họ, mùa xuân năm nay đến sớm hơn thường lệ.

Hình minh họa.

Với ngành xi măng, năm 2014 đã đi qua khi thị trường tiêu thụ XM nội địa đỡ “ngột ngạt” và xuất khẩu cũng gặt hái thành công nhiều hơn mong đợi. Con số thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến hết tháng 12/2014, cả nước có 75 dây chuyền sản xuất XM lò quay công suất thiết kế 80,96 triệu tấn, toàn ngành khai thác trên 90% công suất thiết kế, tiêu thụ ước đạt 70 triệu tấn xi măng, trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 50,5 triệu tấn, xuất khẩu 19,5 triệu tấn.

Như vậy, cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều vượt kế hoạch đề ra đầu năm 2014. Lý giải sự tăng trưởng tích cực của ngành XM, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng: Năm 2014, khối lượng xây dựng của cả nước đã có sự tăng trưởng, do thị trường bất động sản ấm lên, các công trình hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được Nhà nước chú trọng đầu tư nên tiêu thụ xi măng trong nước đã khá hơn cùng kỳ năm 2013. Mặt khác, các doanh nghiệp XM có điều kiện đã chú trọng hơn tới thị trường xuất khẩu.

Không chỉ tăng trưởng khả quan mà điều đáng ghi nhận là trong công cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ của ngành XM, những doanh nghiệp, nhà máy XM bên bờ vực phá sản thì trong năm 2014 này, họ đã thực sự hồi sinh. Sau khi xi măng Đồng Bành về với Vissai, Cẩm Phả về với Viettel… giờ đã “ăn lên làm ra”, sản xuất và tiêu thụ tốt.

Từ một nước nhập khẩu XM (trước năm 2010), đến nay Việt Nam đã hoàn toàn sản xuất đáp ứng tiêu thụ XM trong nước và có một phần xuất khẩu. Năm 2014, lượng xuất khẩu XM của Việt Nam chiếm trên 27% tổng lượng XM tiêu thụ toàn ngành.

Theo Phó Tổng Giám đốc TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Bùi Hồng Minh, trong một vài năm trở lại đây, xuất khẩu XM không chỉ góp phần cân đối cung - cầu mà còn trở thành kênh hữu hiệu, góp phần điều tiết lượng hàng của ngành xi măng, giúp thị trường trong nước đỡ “ngột ngạt”.

Là đơn vị sản xuất và tiêu thụ XM hàng đầu Việt Nam, năm 2014, Vicem đã xuất khẩu hơn 2 triệu tấn sản phẩm (cả clanke và xi măng) chiếm 10% tổng sản lượng.

Lý giải vì sao lượng xuất khẩu XM và clanke của Việt Nam tăng cao trong năm 2014, Phó Tổng Giám đốc Vicem nhận định: Năm 2014, nhu cầu tiêu thụ XM của thế giới tăng nhưng một số quốc gia xuất khẩu xi măng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… không tăng nguồn cung…,vì thế XM của nước ta xuất khẩu tốt hơn năm 2013.

Về giá xuất khẩu, sản phẩm XM (bao gồm clinker và xi măng) của Việt Nam năm 2014 đã có được giá cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên với giá hiện tại, sản phẩm của tavẫn cạnh tranh tốt trong khu vực Đông Nam Ávà toàn cầu.

Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, sau 4 năm gia nhập thị trường xuất khẩu, khoảng thời gian không dài nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu XM nước ta cũng đã tích lũy được kinh nghiệm trong khai thác thị trường, đàm phán hợp đồng… Logictic của nước ta cũng được cải thiện hơn và đặc biệt bước đầu các doanh nghiệp trong nước có sự kết hợp với nhau nên xuất khẩu XM thuận lợi và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Bùi Hồng Minh lại tỏ ra lo lắng: Năm 2015 khi nguồn cung toàn cầu như XM ở Thái Lan, Trung Quốc… sẽ tăng lên thì XM Việt Nam cạnh tranh sẽ khó hơn và xuất khẩu chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

Còn ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng lại lạc quan hơn khi cho rằng: Năm 2015 dự báo nhu cầu nội địa sẽ tăng hơn năm nay khoảng 3 triệu tấn, trong khi nguồn cung vẫn không tăng nên lượng xuất khẩu năm tới sẽ giảm so với năm 2014.

Cũng lường trước những khó khăn khi xuất khẩu XM, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng phân tích: Doanh nghiệp xuất khẩu XM nước ta còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp nên việc khai thác tận gốc là chưa đạt được mà phải bán hàng qua khâu trung gian, doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng dài hạn mà phần lớn là những hợp đồng ngắn hạn.

Mặt khác, việc vận chuyển XM xuất khẩu còn khó khăn do chúng ta chưa có cảng nước sâu chuyên dụng để xuất trực tiếp XM mà vẫn phải trung chuyển từ tàu bé ra tàu lớn ngoài khơi.

Ông Tới cũng đề xuất: Trong tư duy, Nhà nước và doanh nghiệp không nên xem xuất khẩu XM là công việc mang tính thời vụ, giải pháp tình thế. Xuất khẩu XM dù ít dù nhiều cũng phải tính chuyện lâu dài để đảm bảo có hiệu quả cao.

Điều kiện sản xuất XM của Việt Nam rất thuận lợi so với các nước khác, sản phẩm XM và clanke là sản phẩm khoáng sản chế biến sâu và thực tế những năm qua đã chứng minh, xuất khẩu XM mang lại hiệu quả, lợi nhuận cho doanh nghiệp và xã hội, bổ sung thêm ngân sách nhà nước, đóng góp nguồn ngoại tệ đáng kể góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, giúp bình ổn cán cân thương mại.

Nhờ quản lý chặt chẽ Quy hoạch Phát triển Công nghiệp Xi măng giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488 (gọi tắt là Quy hoạch 1488) qua việc rà soát và điều chỉnh kịp thời các dự án đầu tư, đảm bảo cân đối cung - cầu nên đến nay thị trường tiêu thụ “chiếc bánh mỳ” của ngành xây dựng đã “dễ thở” hơn, cung - cầu tương đối tiệm cận, thị trường bình ổn…

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng