Tìm hiểu để xuất khẩu sản phẩm vật liệu xây dựng vào Nhật bản

Cập nhật 17/11/2010 14:50

Trong nhiều năm qua, sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam đã được quan tâm tốt hơn và đạt được những bước tiến quan trọng. Chất lượng và chủng loại vật liệu xây dựng do Việt Nam sản xuất đã cao hơn, nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu trong nước và một số sản phẩm đã được thị trường Quốc tế biết đến, tin tưởng.

Vấn đề đi tìm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm vật liệu xây dựng mà Việt Nam có thế mạnh như các sản phẩm đá xây dựng, gạch lát, gạch men sứ, sứ vệ sinh, xi măng đang được đặt ra rất cấp bách.


Nhật Bản là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, trong đó bao gồm cả các sản phẩm vật liệu xây dựng. Với tầm vóc của một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (đứng sau Mỹ và chỉ hơn Trung Quốc không nhiều), thị trường Nhật Bản rất đáng để chúng ta đầu tư nghiên cứu và kỳ vọng (tính đến năm 2006 thị trường Nhật Bản thật khổng lồ bởi sức tiêu thụ của hơn 127 triệu dân với mức GDP bình quân đầu người là 33.100 USD).

Thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống, có trình độ thẩm mỹ cao, tinh tế. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng và ưa chuộng đồ ngoại ngày càng gia tăng trong xã hội Nhật Bản, tạo tiền đề thuận lợi cho các nước đang mong muốn xuất khẩu vào Nhật Bản. Đặc điểm quan trọng của thị trường Nhật Bản là tính đồng nhất cao: 90% dân số thuộc tầng lớp trung lưu nên nhu cầu tiêu dùng của họ rất lớn.

Những khảo sát gần đây cho thấy Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Nhật Bản một số sản phẩm vật liệu xây dựng như gạch lát, đá xây dựng (đá marble, đá Granit). Đối với gạch lát, ở Nhật Bản hầu hết người tiêu dùng thích dùng gạch men sứ ở bên ngoài vì độ hút ẩm thấp sẽ hạn chế sự phiền toái do hiện tượng ngưng tụ và thoát hơi.

Hiện đã có một số nước xuất khẩu gạch lát vào Nhật Bản, được người Nhật ưa thích về kiểu dáng nhưng còn bị người Nhật phàn nàn về một số điểm. ý hiện chiếm khoảng 35% tổng số gạch nhập khẩu vào Nhật. Nước Đức xuất khẩu sang Nhật một số loại gạch xây dựng và gạch lát, khá được ưa chuộng vì nổi tiếng có chất lượng cao. Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc gần đây đang gia tăng xuất khẩu gạch vào Nhật Bản.

Thị trường Nhật Bản đòi hỏi đá xây dựng có kiểu mẫu tiêu chuẩn, kích cỡ chính xác, màu sắc ổn định, chất lượng đá và nguồn cung cấp bảo đảm. Đối với đá marble, trước đây ý là nhà cung cấp chủ yếu (chiếm tới 50% thị phần) nhưng giờ đây đã có thêm Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Riêng về đá Granit thì hầu hết nguồn cung cấp cho thị trường Nhật Bản đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ấn Độ và các nước ASEAN.

Thị trường xây dựng Nhật Bản được xếp trong nhóm 5 thị trường xây dựng lớn nhất thế giới, với dung lượng hàng trăm tỷ USD một năm. Như vậy, thị trường vật liệu xây dựng của Nhật Bản phải nói là rất lớn, lên tới vài chục tỷ USD/năm.

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng khả năng xuất khẩu vật liệu xây dựng sang Nhật Bản là không nhỏ, nếu làm tốt có thể đạt doanh số vài chục triệu USD/năm, thậm chí còn có thể lớn hơn nữa.

Trên thế giới, các nhà thầu xây dựng Nhật Bản cũng đã có thời rất được ngưỡng mộ với những công trình đúng tiến độ, chất lượng cao, giá hợp lý. Trong giai đoạn từ 2007 trở về trước, tên tuổi những nhà thầu xây dựng lớn nhất, nổi tiếng nhất Nhật Bản như Taisei, Kajima, Shimizu, Sekisui, Takenaka, Obayashi, Daiwa luôn được xếp hạng cao trong danh sách các nhà thầu xây dựng lớn nhất, nổi tiếng nhất thế giới.

Rất tiếc là từ cuối năm 2007 trở lại đây, các nhà thầu xây dựng Nhật Bản đã dần mất đi phong độ vốn có của mình, ngày càng phải rời xa hơn những vị trí cao trong bảng xếp hạng chung trên thế giới. Điều cần đặc biệt quan tâm là cho tới thời điểm này vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự khởi sắc lại từ những nhà thầu xây dựng lớn nhất của Nhật Bản.

Để đẩy mạnh công tác nhập khẩu những sản phẩm cần thiết, Nhật Bản đã lập hẳn một cơ quan Chính phủ phi lợi nhuận là Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO).

Tổ chức này đặt nhiều văn phòng ở các nước, hỗ trợ các nhà xuất khẩu vào Nhật Bản thông qua việc cung cấp thông tin khách hàng, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn có được sự hỗ trợ này có thể liên lạc tới 2 địa chỉ: Văn phòng JETRO tạiHà Nội (63 Lý Thái Tổ. Tel: 04.38250630; Fax: 04- 8250552; Email: hn.jetrofpt.vn) hoặc Văn phòng JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh (115 Nguyễn Huệ - Quận 1; Tel: 08.8219363; Fax: 08-8219362; Website: http://www.jetro.go.jp).

Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng tốt, số lượng ổn định xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tạo thêm nhiều nguồn thu và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng