Mặc dù dự báo 5 triệu tấn xi măng (XM) sẽ dư thừa trong năm nay và tình hình tiêu thụ XM quý I cũng chưa có đột biến nhưng dự báo quý II này, tiêu thụ XM sẽ tăng mạnh. Đây là nhận định của rất nhiều chuyên gia về vấn đề tiêu thụ XM trước áp lực dư nguồn cung.
Số liệu thống kê cho thấy quý I vừa qua tiêu thụ XM toàn xã hội đạt 10,27 triệu tấn bằng 20,5% so với kế hoạch, sản xuất XM đạt 11,13 triệu tấn. Trong điều kiện cung đã vượt cầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là than và điện nhưng giá bán XM chỉ tăng nhẹ. Cục Quản lý giá cho biết, giá XM tại các nhà máy đã 2 lần tăng.
Lần thứ nhất vào tháng 1, tăng 5% do chính sách tính thuế VAT mới vào giá bán XM; lần 2 vào tháng 2, tăng bình quân khoảng 4% (tương đương tăng 30 - 50 nghìn đ/tấn. Thêm vào đó, về vấn đề giá bán XM chủ trương của TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) với vai trò điều tiết thị trường sẽ không “tát nước theo mưa”, mặc dù với 38% thị phần VICEM hoàn toàn có thể “dẫn dắt” được cuộc chơi.
Sang quý II, do có thêm một số dây chuyền sản xuất sẽ đi vào hoạt động, ước tính lượng XM sản xuất sẽ đạt khoảng 12,5 triệu tấn, tăng 8,7% so với quý I. Dự báo nguồn cung XM trong 6 tháng đầu năm nay sẽ dồi dào, đạt khoảng 24 triệu tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2009. Tuy nhiên, sự hồi phục kinh tế trong và ngoài nước đang kích thích đầu tư phát triển, kích cầu đầu tư xây dựng cùng với thị trường BĐS đang ấm dần trở lại; các dự án nhà ở xã hội, các dự án đô thị tại các thành phố lớn sẽ tập trung triển khai, sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ XM tiếp tục tăng.
Trong quý I, cùng với các công trình cũ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, các công trình mới được khởi công xây dựng cùng với nhu cầu sửa chữa, xây dựng nhà ở trong dân tăng lên, quý II được xác định là vào cao điểm mùa xây dựng nên tiêu thụ XM sẽ tăng mạnh. Dự báo, lượng xi măng tiêu thụ trong quý II đạt khoảng 11 triệu tấn, tăng 12,2% so với quý I.
Giá cả XM trong quý II cũng sẽ không có biến động mạnh, dù tình trạng thừa Bắc - thiếu Nam bởi VICEM đã chuẩn bị chu đáo cho vấn đề bổ sung XM cho thị trường phía Nam. Tuy nhiên, điều tiết lượng XM thế nào để cân đối giữa 2 miền cũng đặt ra nhiều vấn đề, bởi có thể vẫn xảy ra tình trạng XM dư thừa cục bộ ở miền Bắc và thiếu cục bộ ở miền Nam như đã diễn ra nhiều năm trước.
Ngoài ra còn có một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng khiến thị trường đi theo hướng khác đó là chính sách thuế VAT với XM từ mức 5% tăng trở lại mức 10% kể từ đầu năm 2010; chính sách ưu tiên chống lạm phát rất có thể sẽ làm giảm lượng cung tiền từ các ngân hàng thương mại cho thị trường BĐS... Cho dù nhu cầu tiêu thụ XM tăng mạnh thì nguồn cung vẫn lớn hơn cầu nên thị trường còn phải đối mặt với tình trạng dư thừa. Vì vậy, giá bán khó có thể tăng cao, dự báo chỉ tăng khoảng 4 - 5% so với giá bán tại quý I.
Mặc dù trong tình trạng cung lớn hơn cầu nhưng những thương hiệu lớn vẫn lên ngôi như các thương hiệu thuộc VICEM (Hoàng Thạch, Hà Tiên, Bỉm Sơn, Hoàng Mai, Bút Sơn, Hải Phòng, Tam Điệp) và một số liên doanh khác như Nghi Sơn, Chinfon hoặc FiCO… Một số dây chuyền mới đưa vào hoạt động nhưng đã làm được công tác thị trường đáng nể như XM Sông Thao, Hạ Long, Thăng Long… Có lẽ khó khăn vẫn thuộc về các dây chuyền mới đi vào sản xuất và XM lò đứng.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng