Hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đồng ý góp vốn cùng ngân sách trung ương để xây dựng tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Sơ đồ tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (màu hồng) và cao tốc phía Tây (Cao Lãnh - Vàm Cống (màu xanh nước biển) - Nguồn: Ban Quản lý dự án 7
Theo Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải), đơn vị tư vấn vừa hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (Đồng Tháp - Tiền Giang).
Theo đó, dự án xây dựng tuyến đường cao tốc dài 28,1km (trong đó Tiền Giang dài 8km và Đồng Tháp dài 20,1km). Giai đoạn 1 xây dựng mặt đường cao tốc rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông.
Tuy nhiên, việc đền bù giải tỏa trước mặt đường rộng 32,25m sẽ thực hiện ngay trong giai đoạn 1 để chuẩn bị cho giai đoạn sau này xây dựng hoàn chỉnh để mở rộng mặt đường cho 6 làn xe lưu thông. Xây dựng 26 cầu qua các sông, rạch...
Tổng kinh phí dự kiến 5.548,7 tỉ đồng. Trong đó, dự kiến tỉnh Tiền Giang góp 384,5 tỉ đồng và Đồng Tháp góp 668,1 tỉ đồng cho công tác đền bù giải tỏa.
Mục tiêu đầu tư tuyến cao tốc nhằm giảm tải cho quốc lộ 30, nhất là sau khi đưa 2 trục cao tốc phía Đông và phía Tây thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam vào khai thác. Đồng thời kết nối quốc lộ 1 với cao tốc phía Đông và phía Tây khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết nối các trục dọc, trục ngang tạo mạng lưới giao thông; thúc đẩy phát triển kinh tế cho khu vực Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 phối hợp với các cơ quan nghiên cứu điều chỉnh, thống nhất quy mô tuyến đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ