Thu hồi giấy phép và tạm dừng 6 dự án thép

Cập nhật 10/04/2009 16:40

Cuộc rà soát kỹ lưỡng các dự án trọng điểm trong quy hoạch ngành thép mới đây đã cho thấy chỉ có 74% số lượng dự án được triển khai đúng thời gian. Sáu dự án lớn khác đã bị thu hồi giấy phép, dừng hoặc không triển khai vì các lý do khác nhau.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, trong số 5 dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2007-2015, có hai dự án dừng và không triển khai.

Một là, dự án thép cán nóng liên doanh giữa Tập đoàn Essar của Ấn Độ (dự định góp 65% vốn điều lệ) và Tổng công ty Thép Việt Nam (20% vốn), Tổng công ty Cao su Việt nam (15% vốn).

Dự án này đã thành lập công ty liên doanh, lập thiết kế chi tiết và hồ sơ mời thầu gói thầu EPC, dự tính cho ra đời 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm, với tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 527 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, do tình hình tài chính và thị trường khó khăn, đối tác Ấn Độ đã đề nghị tạm dừng triển khai dự án để nhượng lại phần vốn pháp định cho đối tác Việt Nam. Dự án này đã chậm tiến độ như dự kiến 2 năm và hiện chưa xác định thời điểm khởi công xây dựng.

Thứ hai là dự án Luyện cán thép không rỉ Thiên Hương (100% vốn Đài Loan) tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã được cấp phép từ năm 2006 nhưng tới nay không triển khai nên đã bị thu hồi giấy phép.

Trong số 18 dự án đầu tư khác trong danh mục đầu tư giai đoạn kể trên, có 4 dự án chưa triển khai hoặc dừng triển khai. Đó là các dự án nhà máy thép cán nguội Lilama, nhà máy thép cán nguội Formosa, nhà máy thép cán nguội công ty Bạch Đằng và nhà máy thép Phú Mỹ (giai đoạn II).

Với 17/23 dự án trong danh mục quy hoạch ngành được triển khai như tiến độ quy hoạch đề ra, Bộ Công Thương đánh giá số lượng này chỉ chiếm 74% số lượng dự án.

Tĩnh kỹ hơn, ngoài 4 dự án đã đi vào sản xuất, 1 dự án sẽ đưa vào sản xuất năm 2010 của Tập đoàn Posco (giai đoạn I) đặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu, 12 dự án khác sẽ đưa vào sản xuất trong giai đoạn 2011-2015, không tính các dự án chưa triển khai hoặc ngừng triển khai nhưng nguồn cung hiện nay đã dư thừa.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, có đề xuất, với các tình trạng số dự án trọng điểm không triển khai hoặc chưa triển khai với các lý do khác nhau, cần giám sát chặt chẽ các dự án đã cấp phép. “Nếu không thực hiện theo tiến độ đã duyệt mà không có lý do chính đáng thì kiên quyết thu hồi giấy phép”, ông Cường nói. Và ông cho rằng, đối với các dự án FDI lớn cũng cần theo dõi sát tiến độ thực hiện, không cho phép chuyển đổi chủ dự án một cách tùy tiện.

Ông Cường dẫn ra kinh nghiệm theo dõi dự án Tycoon ở Dung Quất (đến nay đã chậm 2 năm vẫn chưa triển khai) hoặc dự án thép không gỉ ở Bình Dương, việc chấp nhận đối tác có phần dễ dãi đã dẫn đến cảnh “mua qua bán lại” phần vốn góp giữa các nhà đầu tư. Hoặc đối tác chỉ thực hiện một giai đoạn đầu, chiếm một diện tích đất rất lớn trong nhiều năm nhưng không thực hiện, cản trở đến việc thực thi của các dự án khác hoặc kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Theo tính toán của các chuyên gia ở Tổng công ty Thép Việt Nam, hiện tại mỗi dự án liên hợp thép chiếm từ 1.000 héc ta đến 3.000 héc ta đất, chưa kể diện tích cảng biển và các ngành công nghiệp phụ trợ.

“Trong điều kiện hiện tại, tình trạng lãng phí đất và chậm triển khai dự án nhiều năm sẽ làm thiệt hại đáng kể cho địa phương vì diện tích đất nông nghiệp bị chiếm dụng là rất lớn”, tiến sĩ Nghiêm Gia, thuộc Tổng công ty thép Việt Nam, nói với các chuyên gia trong cuộc bàn tròn mới đây tổ chức tại Hiệp hội thép Việt Nam như vậy.

Ngoài 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại các địa phương, trong đó nhiều dự án đã và đang đi vào sản xuất thì còn 4 dự án lớn khác hiện vẫn đang xin chủ trương đầu tư, bất chấp nguồn cung trong vài năm tới dư thừa và giá cả mặt hàng thép đang đi xuống.

Đó là các dự án Liên hợp thép của Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) dự kiến đầu tư tại Dung Quất, công suất dự kiến 6 triệu tấn/ năm và hiện đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án thứ hai của công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar (Việt Nam) làm chủ đầu tư, dự kiến xây dựng Khu liên hợp gang thép đặt tại Yên Hưng (Quảng Ninh), công suất 4,5 triệu tấn/năm. Dự án thứ ba của công ty cổ phần khoáng sản An Vượng đặt tại Hòa Bình với công suất dự kiến 870 ngàn tấn phôi và cán thép/năm. Dự án còn lại của Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Sáu Thành, dự kiến đặt tại tỉnh Đắc Nông. Các dự án này đều xin được chấp thuận đầu tư và bổ sung vào quy hoạch.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG