Khi cung vượt cầu, cạnh tranh khốc liệt, trong khi mức tiêu thụ thực tế gặp nhiều khó khăn… thị trường xi măng (XM) năm 2012 gặp nhiều thách thức.
Khi cung vượt cầu
Theo thống kê, năm 2012 cả nước có thêm 4 nhà máy XM đi vào hoạt động, nâng dây chuyền lò quay công nghệ khô lên con số 60, bên cạnh 38 dây chuyền lò đứng công nghệ bán khô. Năng lực sản xuất toàn ngành theo công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng 60 triệu tấn. XM không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu.
Phân tích tình hình tiêu thụ thực tế, ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, đầu năm chúng ta có thể khả quan dự báo mức tiêu thụ XM năm 2012 trên 50 triệu tấn nhưng căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, mức tiêu thụ có thể chỉ bằng năm 2011, khoảng 49,5 triệu tấn, hoặc có thể thấp hơn khoảng 46 – 47 triệu tấn và giữ mức xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.
Như vậy, lượng XM dư thừa trong năm 2012 khoảng 8 - 10 triệu tấn khiến thị trường XM vốn đã cạnh tranh nay càng khốc liệt thêm, cuộc chiến tiêu thụ giữa các thương hiệu XM, các đại lý, nhà phân phối… liên miên không hồi kết.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra: thị trường XM đang ở trong tình trạng cạnh tranh gay gắt, cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách “dìm giá” tranh khách hàng, kể cả trong xuất khẩu. Trong khi toàn ngành cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế để XM Việt Nam vươn ra thị trường thế giới thì một số DN XM trong nước lại sử dụng cách cạnh tranh thiếu lành mạnh để giành thị phần.
Dẫu biết rằng cạnh tranh là quy luật tất yếu của thị trường, là động lực để thúc đẩy các DN phát triển và sàng lọc những DN yếu kém nhưng cạnh tranh không lành mạnh sẽ khiến không chỉ DN mà cả nền kinh tế cũng bị tổn thất. Mặc dù ai cũng biết đây không phải là cách cạnh tranh khôn ngoan và thông minh nhất trong bối cảnh thị trường sức mua có hạn nhưng những thương hiệu XM mới ra đời, chưa có thương hiệu thì cạnh tranh về giá, bán giá rẻ là cách đơn giản nhất để đến với người tiêu dùng.
Ông Đặng Đình Thanh, Giám đốc Cty Thương mại Thành Đạt, Hà Đông cho biết: thị trường XM chủ yếu cạnh tranh về giá. Ở Hà Nội có hàng trăm thương hiệu XM khác nhau, từ năm 2009 bắt đầu xuất hiện XM giá rẻ khiến nhiều hãng XM đẳng cấp, thương hiệu nhưng giá cao rất khó bán…
Ngay ở thị trường Thanh Hóa – nơi XM Vicem Bỉm Sơn “đóng quân” và từng chiếm lĩnh thị trường thì nay cũng có gần 80 loại XM khác nhau với giá bán khác nhau. Những loại XM ra đời sau giá rẻ hơn, tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu XM tên tuổi.
Tái cấu trúc, nâng cao chất lượng dịch vụ
Đứng trước bài toán cạnh tranh nan giải, mỗi DN đều phải tìm hướng đi cho riêng mình. Trong khi thị trường ở tình trạng cung vượt cầu, cách cạnh tranh “đẹp nhất” là nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hơn trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, cạnh tranh sòng phẳng về giá thay vì “dìm giá” để tranh khách hàng, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế để XM Việt Nam vươn ra thị trường thế giới…
Tái cấu trúc DN, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh và tiêu thụ phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng - thương hiệu sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiếp tục bám sát thị trường và đưa ra những chính sách hợp lý, tăng cường quản lý và xây dựng hệ thống quản lý giám sát XM về đến tận địa bàn tiêu thụ, triển khai áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ giữ ổn định và nâng cao chất lượng clinke, chất lượng phụ gia, tiếp tục gắn kết nhà phân phối và nhà sản xuất… là hàng loạt biện pháp mà các DN XM thực hiện để nâng cao sức cạnh tranh.
Ông Bùi Ngọc Minh – Giám đốc Vicem Bỉm Sơn cho biết: Năm 2012 Vicem Bỉm Sơn tập trung tái cấu trúc trung tâm tiêu thụ thành xí nghiệp tiêu thụ, đẩy mạnh hoạt động ma két tinh, tăng khả năng hỗ trợ hệ thống tiêu thụ chăm sóc tốt hơn đối với khách hàng….Những giải pháp mà Vicem Bỉm Sơn thực hiện đã đem lại hiệu quả thực sự. Trong 2 tháng đầu năm 2012 lượng tiêu thụ XM Bỉm Sơn đạt 478.000/ 432.000 tấn, đạt 111% so với cùng kỳ năm 2011.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng