Sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế thế giới cùng những dự báo về diễn biến thời tiết bất thường trong nước là những yếu tố gây bất ổn cho giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là VLXD. Bức tranh tổng thể về dự báo giá VLXD cuối năm 2010 cho thấy đây là thời điểm thuận lợi để khởi công xây dựng công trình.
Thép tiêu thụ tốt với mức giá cạnh tranh
Sau đợt “sóng thần” tăng giá thép diễn ra thời điểm cuối quý I/2010, sang đến quý III, mặt hàng từng được gọi là “vàng đen” đã đảo chiều sau khi đem lại lợi nhuận cực lớn cho các doanh nghiệp. Từ tháng 9 nhu cầu thép tăng mạnh sau khi kết thúc mùa mưa bão, là dấu hiệu cho biết sản lượng, doanh thu thép chắc chắn tăng trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, thị trường này sẽ khó tăng giá đột biến do hiện tượng đầu cơ thép trong đợt tăng giá công với tình hình phôi thép trên thế giới hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho nhiều, các doanh nghiệp xả hàng ồ ạt thay vì nhập hàng nên giá không tăng. Mức tiêu thụ thép cả nước hiện chỉ đạt khoảng 5 triệu tấn/năm trong khi năng lực sản xuất cả nước đạt 8 triệu tấn/năm, đẩy tình hình cạnh tranh trên thị trường thêm phần quyết liệt.
Xi măng ổn định
Trong khi giá thép tăng đột biến từ cuối quý I đến nay khiến nhiều công trình phải dãn tiến độ thi công, dẫn đến xi măng cũng bị ảnh hưởng, mức tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, còn lý do khác là năm 2010, năng lực sản xuất clinker trong nước đang tiếp tục tăng do hoạt động của một số nhà máy mới, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã chủ động được nguồn nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu.
Theo tính toán của Viện Kinh tế Xây dựng, xét trên tất cả các yếu tố cung - cầu thì hiện nay ngành xi măng cung vượt cầu khoảng 5 triệu tấn (chưa kể các nhà máy chưa hoạt động hết công suất). Giá xi măng thị trường trong nước những tháng cuối năm chắc chắn không có biến động mạnh.
Cát khan hàng, nguy cơ tăng giá
Do đặc thù của từng địa phương nên giá cát xây dựng không đồng nhất giữa các tỉnh thành trong cả nước. Trong khi giá cát tại miền Bắc bị tác động mạnh mẽ bởi hiện tượng hạn hán thì khu vực miền Nam lại bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp bị thu hẹp.
Theo khảo sát với một số doanh nghiệp VLXD trên địa bàn Hà Nội, giá cát phụ thuộc phần lớn vào mực nước sông Hồng. Do vậy vào mùa khô, mực nước sông Hồng xuống thấp dẫn đến việc khó khai thác và vận chuyển cát, đẩy giá thành tăng mạnh. Theo dự đoán của các cơ sở kinh doanh cát, nếu hiện tượng hạn hán còn tiếp diễn, cùng với việc cấm khai thác cát của UBND TP Hà Nội, bắt đầu từ giữa tháng 6/2010 cấm khai thác cát, khoáng sản tại 25 khu vực với tổng diện tích cấm trên 209km2) giá cát cuối năm sẽ “rơi tự do” giống như kịch bản cuối năm 2009, tăng cao gấp mấy lần mà không có hàng để bán.
Tại miền Nam, tình trạng khan hiếm cát chất lượng cao bị chi phối bởi nguồn cung cấp chính từ Cam puchia (Chính phủ Campuchia điều chỉnh chính sách khai thác và tập trung xuất khẩu sang Singapore với giá cao hơn). Nguồn cát vàng khai thác trong nước chỉ đáp ứng được yêu cầu xây dựng dân dụng chứ không đạt tiêu chuẩn thi công đối với các công trình đặc thù.
Gạch xây biến động giá không đáng kể
Gạch xây vẫn ổn định từ cuối năm 2009 đến nay, chỉ tăng nhẹ từ 5 - 10% do chi phí vận tải tăng. Đây là mức tăng được xem như không đáng kể. Hiện nay giá gạch xây biến động trong khoảng từ 1.100 - 1.200 đồng/viên, gạch lát có giá từ 80.000 - 105.000 đồng/m2.
Nguồn cung dồi dào và thị trường ổn định, dự kiến giá gạch cuối năm 2010 không có biến động. Việc quy định sử dụng tối thiểu 30% VLXD không nung loại nhẹ trong tổng số VLXD từ năm 2011 sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành gạch xây truyền thống trong thời gian tới.
Tuy nhiên sẽ không có chuyện giá gạch nung giảm nhiều bởi trong lúc gạch không nung chưa được thị trường ưa dùng thì gạch nung vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt.
Đá xây dựng: Miền Bắc giữ giá, miền Nam tăng cao
Cũng như gạch xây, giá đá xây dựng từ đầu năm đến nay vẫn giữ ổn định hoặc tăng nhẹ (2 - 3%) Tại Hà Nội, dự báo nếu xảy ra tình trạng khan hiếm, giá cũng chỉ tăng từ 5 - 10%. Nhưng tại TP.HCM, với nhu cầu lớn về đá để xây dựng và san lấp mặt bằng giá cả về đá xây dựng có thể tăng cao.
Nguyên nhân trữ lượng đá tại ĐBSCL khả năng khai thác chỉ đạt khoảng 500.000 m3/năm. Việc vận chuyển đá từ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về khiến chi phí đội lên rất nhiều. Ngoài ra, việc khai thác đá bị siết chặt để hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường do khai thác đá cũng khiến TP.HCM khan hiếm đá, giá cao hơn thị trường miền Bắc nhiều lần.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng