Thị trường thép thế giới tháng 1/2008: giá tăng ở châu Á giảm ở châu Âu

Cập nhật 18/02/2008 10:00

Giá thép tại châu Âu giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu, tồn kho lớn, trong khi giá thép tại châu Á tăng lên do giá nguyên liệu thô tăng, nhu cầu tiêu thụ mạnh. - Giá thép thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, song với tốc độ chậm hơn so với năm 2007 do triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới yếu.

Giá:

Thị trường thép thế giới tháng đầu năm nay diễn biến theo chiều hướng trái ngược nhau. Trong khi giá thép tại châu Âu giảm xuống thì giá thép tại châu Á lại tăng cao.

Giá thép dây cán nóng trung bình tại Liên Minh Châu Âu đã giảm xuống trong tháng 1/2008. Hoạt động mua chậm lại và nhập khẩu dự kiến giảm trong vài tháng tới. Chi phí đầu vào tăng cao dự kiến sẽ làm cho giá giao dịch thép tăng cao trở lại.

Giá các sản phẩm thép cán nguội trung bình tại EU cũng giảm trong tháng này. Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng được dự kiến trước khi giá nguyên liệu thô tăng mạnh trong tháng 4/2008. Nguồn cung nguyên liệu có sẵn giá rẻ từ nước ngoài chắc chắn sẽ hạn chế trong ngắn hạn.

Do vậy, giá thép dây cán nguội dự kiến sẽ hồi phục trong vài tháng tới. Các nhà máy thép châu Âu sẽ cố gắng đẩy tăng giá bán sản phẩm trong quý 2 để bù đắp lại giá nguyên liệu thô tăng cao. Giá dự kiến sẽ tăng hơn 10% trong mùa hè do giá than đá và quặn sắt tăng buộc các các nhà sản xuất phải dần tăng giá hơn nữa các sản phẩm.

Dự kiến, giá thép dây cán nóng sẽ đạt mức cao kỷ lục là 530 euro/ tấn trong quý 3 năm nay. Do các điều kiện thị trường yếu nên các số liệu về thép dây cán nguội dự kiến vẫn thấp hơn mức đỉnh cao của mấy năm qua. Giá cả hai sản phẩm này dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm nay do tình hình kinh tế suy yếu gây hạn chế nhu cầu tiêu thụ.

Tại Đức, các trung tâm dịch vụ và các nhà máy đang giữ mức dự trữ cao do thiếu vắng khách tiêu thụ trong khi giá nguyên liệu đầu vào đang ngày một leo thang khiến các nhà máy khó có thể thành công trong việc tăng giá trong quý 2 năm nay. Song các nhà máy thì ít nhất phải hồi lại được vốn.

Thị trường thép Pháp đang chầm chậm bắt đầu một năm mới sau kỳ nghỉ dài song nhu cầu dự kiến sẽ tăng trong hai tuần tới. Cho tới cuối tháng 1, giá vẫn ổn định so với cuối năm. Giá các sản phẩm thép cán mỏng dự kiến sẽ tăng lên trong quý 2.

Hoạt động giao dịch cũng uể oải tại Italy sau kỳ nghỉ song các ngành tiêu thụ nhiều thép, đặc biệt là ôtô và ngành chế tạo máy vẫn mạnh. Tuy nhiên không có dự báo giá tăng mạnh ở đây. Nhiều khách mua đã mua đủ hàng cho tới tháng 2 và tháng 3 và chỉ mua ít nguyên liệu để bù đắp vào chỗ thiếu hụt dự trữ.

Dự trữ tại các cảng đã giảm thấp hơn mức thông thường mặc dù không thiếu nguồn nguyên liệu nước ngoài. Có rất ít hàng chào bán từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ do ba nước này đang chờ đợi giá tại châu Âu tăng lên.

Giá thép tại Anh vẫn vững trong tháng này. Nhu cầu tiêu thụ vẫn vững song không mạnh và không có dấu hiệu hồi phục. Dự trữ tại người tiêu thụ đủ dùng cho tới tháng 3 và 4. Do vậy hiện nay người bán thì muốn nâng giá bán song người mua thì không dễ gì chấp nhận. Có rất ít hàng chào bán từ các nước khác ngoài Eu.

Tại châu Á, tình hình hết sức trái ngược, hoạt động giao dịch sôi động, giá tăng cao. Đầu năm 2008, Trung Quốc đã nâng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25% và thép thành phẩm từ 10% lên 15%.

 Quyết định này đã làm cho giá phôi thép, thép trên thị trường khu vực tăng mạnh. Tại Ấn Độ, nhu cầu tiêu thụ mạnh, chi phí đầu vào tăng cao đã khiến các nhà máy thép lớn của Ấn Độ đã tăng giá các sản phẩm thép của họ thêm 500-1.500 rupi/ tấn trong năm nay.

Giá các sản phẩm thép tròn đã tăng thêm 800 rupi trong khi giá thép bán thành phẩm đã tăng thêm 1.200 rupi/ tấn và giá các sản phẩm thép cơ cấu đã tăng từ 1200 đến 1500 rupi/ tấn. Hiện nay, giá thép dây cán nóng nội địa đạt từ 28.000 rupi đến 29.000 rupi/ tấn.

Mới đây, Bộ Sắt Thép Ấn Độ đã quyết định nâng thuế xuất khẩu quặng sắt từ 10% lên 15% nhằm khuyến khích xuất khẩu các loại khoáng sản đã qua chế biến để tăng thêm giá trị. Nếu áp dụng mức thuế này, giá mỗi tấn quặng sắt xuất khẩu của Ấn Độ sẽ tăng thêm 22,5USD.

Tại Hàn Quốc, công ty thép lớn thứ 4 thế giới, Posco thông báo sẽ tăng giá thép cán nóng thêm 11,5% và thép cán nguội thêm 10,8% theo xu hướng tăng giá chung của thị trường. Posco có thể sẽ tiếp tục tăng giá thép từ tháng 4/2008 do giá nguyên liệu thô tăng lên.

Cung cầu:

Theo tập đoàn nghiên cứu sắt và thép thế giới, sản lượng thép thế giới năm 2007 đạt 1,34 tỷ tấn, tăng so với 1,25 tỷ tấn trong năm 2006. Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều nhất với 489 triệu tấn, tăng 15,7% so với năm 2006. Tuy nhiên thì đây đã là mức tăng chậm nhất kể từ đầu thập kỷ. Tỷ lệ tăng sản xuất thép toàn cầu cũng đã chậm lại.

Tiêu thụ thép thành phẩm thế giới năm 2007 ước tính tăng thêm 7,1% đạt 1,22 tỷ tấn so với năm 2006.Châu Á sẽ vẫn là nước dẫn đầu tăng trưởng, tiêu thụ 2/3 sản xuất thép thế giới trong 5 năm kể từ 2006. Tiêu thụ dự kiến tăng mạnh tại các nước mới nổi khác và tỷ lệ tăng sẽ nhỏ hơn tại các quốc gia công nghiệp hoá.

Dự báo:

Các hãng phân tích có uy tín đều dự báo giá thép thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, song với tốc độ chậm hơn so với năm 2007 do triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới yếu.

Hãng đánh giá tín dụng thế giới Fitch dự kiến giá thép sẽ tăng trung bình 30-50 USD/tấn trên hầu hết các thị trường trong năm 2008 do giá nguyên vật liệu, giá năng lượng và chi phí vận tải đều tăng, trong khi nhu cầu tiếp tục mạnh từ các thị trường mới nổi và Trung Quốc cơ cấu chặt chẽ hơn việc sản xuất thép khiến lượng xuất khẩu từ nước này giảm xuống.

Mặc dù giá thép tăng, ngành sản xuất thép vẫn lao đao do các thị trường nguyên liệu thô khan hiếm mà họ vốn đã không thể kiểm soát được các nguồn phế liệu, gang, quặng sắt và than đá. Chi phí vận tải, giá quặng sắt và than cốc tăng sẽ đẩy tăng chi phí sản xuất lò cao.

Hiệp hội ngành thép thế giới (IISI) dự báo nhu cầu tiêu thụ thép thế giới sẽ tăng 6-7%/năm trong 12-18 tháng tới. Trong khi nhu cầu tiêu thụ thép thế giới sẽ tiếp tục tăng thuận lợi trong năm 2008 ở những thị trường mới nổi thì những rủi ro kinh tế gia tăng do các vấn đề về thị trường nhà đất sẽ tác động xấu tới tiêu thụ ở một số thị trường khác, trong đó có Mỹ.

Như vậy, xu hướng tiêu thụ mạnh tại các nước đang phát triển đang bù lại nhu cầu yếu tại Mỹ. Triển vọng chung của ngành thép vẫn tương đối ổn định. Nhu cầu thép của liên minh Châu Âu có khả năng tăng 1,4% năm 2008 sau khi tăng 4% năm 2007 do nhu cầu thép của Đức tăng.

Theo Vinanet