Thị trường thép náo loạn vì đầu cơ

Cập nhật 18/03/2016 09:56

Bên cạnh nhu cầu thực có dấu hiệu tăng từ sau Tết, biến động mạnh về giá trên thị trường thép những ngày gần đây được nhận định do tâm lý đầu cơ, tích trữ.

Quen với việc nhận báo giá 3-4 ngày một lần từ lâu song khoảng một tuần gần đây, lãnh đạo Công ty cổ phần thương mại Vũ Hoàng Gia (Đông Anh, Hà Nội) cho biết phải báo theo ngày do giá biến động liên tục. "Thậm chí vài ngày trước, giá còn thay đổi tới vài ba lần một ngày, sáng và chiều đã khác hẳn nhau. Trong đó, giá điều chỉnh lần sau thường cao hơn lần trước", nữ đại diện này cho hay.

Mặt hàng tăng giá mạnh nhất là thép hình, mà lý do chủ yếu được nhà cung cấp đưa ra là khan hàng và mức thuế mới được áp dụng cho hàng nhập khẩu nên giá tăng. "Có nơi ôm hàng không bán ra, đợi giá lên mới bán. Số còn lại chỉ cung cấp hàng cho những khách quen, số lượng vừa phải", bà nói.

Thị trường thép liên tục biến động trong thời gian qua. Ảnh: MH.

Khảo sát tại các đại lý tại TP HCM cũng cho thấy tình trạng tương tự, khi tiêu thụ thép những tháng đầu năm có xu hướng tăng. Anh Hoàng, chủ cửa hàng thép ở quận 7 cho biết lượng hàng từ Tết đến nay tăng khoảng 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Quý IV năm ngoái, do sợ hàng tồn nên chúng tôi không nhập. Đầu năm nay, giá thép quay đầu tăng trở lại, Bộ Công Thương lại vừa áp thuế mới cho phôi thép và thép dài ở mức cao. Chúng tôi sợ giá sẽ tiếp tục tăng mạnh nên mới nhập ồ ạt về để bán và dự trữ”, anh Hoàng nói.

Trong khi đó, ông Thành - chủ đại lý cấp I chuyên phân phối thép ở quận Tân Phú cho biết toàn bộ lượng hàng tồn kho từ năm ngoái đã được các đại lý và cửa hàng nhỏ lẻ gom hết. Lượng bán ra 2 tháng đầu năm theo đó tăng gấp rưỡi cùng kỳ. “Dẫu vậy, con số này vẫn ở mức thấp vì năm ngoái, hàng bán ra không nhiều, sức mua thực sự không quá cao. Chính vì các cửa hàng, đại lý ồ ạt thu mua nên giá thép thời gian gần đây mới tăng 20-30%”, ông Thành nói.

Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Việt (Pomina) cho biết hơn một tuần nay, lượng hàng xuất đi cho các công ty, đại lý vượt kế hoạch và công suất đề ra. Theo kế hoạch, công ty ông sản xuất 80.000 tấn mỗi tháng nhưng nay thực tế chạy khoảng 100.000 tấn mà không đủ bán. Kho nhà máy lớn ở Vũng Tàu đã hết sạch hàng và tình trạng này lan sang nhà máy tại Bình Dương, nơi trước đó vẫn còn nguồn cung ứng.

Theo ông Thái, sở dĩ có tình trạng các đại lý, nhà phân phối điều xe đến lấy thép nhiều hơn một cách bất thường là do quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương ban hành hôm 7/3 (mức 23,3% đối với phôi thép, 14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung, có hiệu lực từ ngày 22/3 tới). Vì sợ thuế tăng cao nên giới kinh doanh đua nhau gom hàng để dự trữ, chứ thực tế sức tiêu thụ trên thị trường không quá mạnh. Ông Thái cũng đề nghị, cơ quan quản lý không nên tăng thuế phôi quá cao để bảo vệ sản phẩm trong nước.

Chia sẻ với nhận định này, đại diện kinh doanh của Công ty cổ phần Thép Bắc Việt cũng cho biết ngoài việc tăng giá, nguyên liệu thép hiện cũng khó nhập hơn. Diễn biến này theo ông là bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán và đặc biệt liên tục trong khoảng chục ngày gần đây. Trước đó, giá cung cấp cho đơn vị phân phối khá ổn định, khoảng nửa tháng báo giá một lần, nhưng hiện nay cứ một tuần điều chỉnh 2 lần.

"Từ sau Tết, giá thép của chúng tôi phân phối ra tăng khoảng 10%, tương đương 1.200 đồng mỗi kg. Đến nay, kể cả tăng hơn thì doanh nghiệp cũng không còn nhiều hàng để bán ra nữa", vị này cho biết song nhận định việc này sẽ không kéo dài.

Số liệu của Hiệp hội thép (VSA) cho thấy, giá phôi thép hiện giao dịch ở mức 330 USD một tấn, tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1/2016. Giá thép phế liệu ở mức 220 USD một tấn, cũng tăng khoảng 20%. Ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội cho biết bên cạnh giá nguyên liệu thế giới, thép tăng giá có nguyên nhân đến từ tâm lý đầu cơ của các đơn vị phân phối. Theo đó, các nhà thương mại muốn tích trữ, dự đoán giá thép sẽ tăng do việc áp thuế tự vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài.

VSA cũng vừa có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh phù hợp với biến động thị trường giá thép thế giới.

Theo VSA, thực tế từ cuối năm 2015 đến nay, nhu cầu đối với phôi thép và thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng trưởng. Trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng lượng thép các loại bán ra tăng hơn 100%, trong đó thép xây dựng tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2015. "Theo chu kỳ kinh doanh hằng năm, nhu cầu thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong 2 tháng tới do đang trong mùa khô, thích hợp cho việc xây dựng", ông Dũng cho hay.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExPress