Theo phản ánh của các đại lý vật liệu xây dựng (VLXD) tại TPHCM, lượng tiêu thụ gạch ốp lát thời gian gần đây giảm xuống một cách rõ rệt. Ngay cả khi giá thành được điều chỉnh giảm đáng kể, sức mua trên thị trường vẫn chậm, không khí mua sắm ở phần lớn đại lý khá ảm đạm.
Đìu hiu
Đường Thành Thái, Lý Thường Kiệt hay Tô Hiến Thành lâu nay được biết đến là chợ gạch ốp lát sầm uất, nơi cung cấp đa dạng các mặt hàng trong nước và nhập khẩu. Thời điểm này năm ngoái, những showroom gạch ở đây luôn chật kín người, xe chuyên chở vật liệu tấp nập ra vào. Vậy nhưng, không khí mua bán hiện nay đang rơi vào cảnh chợ chiều. Khi chúng tôi ghé vào showroom Châu Âu, Á Châu, Đăng Hà, Thành Đạt... trên đường Thành Thái (quận 10), bên trong hầu như vắng bóng khách, nhân viên bán hàng vẻ mặt buồn thiu.
Trong vai khách hàng cần mua gạch để hoàn thiện căn nhà sắp hoàn thiện, tôi bước vào một cửa hàng VLXD và được đón tiếp vồn vã. Một nhân viên phấn khởi tiết lộ có thể chiết khấu ngay từ 15% đối với sản phẩm gạch nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với sản phẩm gạch sản xuất trong nước. “Nếu anh mua số lượng lớn tôi có thể xin chủ trương của sếp chiết khấu tốt hơn cho anh. Còn mức chiết khấu 10-15% áp dụng chung cho khách hàng nhằm kích thích tiêu dùng. Sức mua dạo này yếu lắm anh ạ. Mở cửa cả ngày tiếp được vài khách, giới thiệu mỏi cả miệng nhưng dạo này họ đến thăm dò giá cả, mẫu mã là chính” - anh nhân viên bán hàng, chia sẻ.
Chứng kiến “thiên đường” gạch made in China vắng vẻ có lẽ nhiều người nghĩ rằng đây là hệ quả của xu hướng tẩy chay hàng Trung Quốc. Nhưng không phải vậy. Khảo sát tại nhiều đại lý VLXD vùng ven như quận 2, 9, Thủ Đức hay Bình Chánh, thị trường VLXD nói chung và gạch ốp lát nói riêng cũng diễn biến theo chiều hướng tương tự. Theo chị Thúy Oanh, chủ một cửa hàng gạch trên đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), từ đầu năm nay, các nhà sản xuất liên tục đưa ra những sản phẩm mới, mẫu mã đa dạng để cạnh tranh với hàng nhập từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Ngoài các loại gạch phổ thông, tùy theo gu thẩm mỹ của từng khách hàng, họ có thể chọn gạch giả gỗ, gạch giả đá, gạch đá tự nhiên, gạch điểm và viền trang trí, với hoa văn sang trọng, kiểu dáng mới lạ và kích cỡ đa dạng. Hàng tháng, một số mã hàng cũng được điều chỉnh giảm giá đáng kể, song hoạt động mua bán chỉ mang tính cầm chừng.
Sức tiêu thụ gạch từ đầu năm tới nay rất chậm.
|
Sức ép cạnh tranh
Có thể thấy, sự phát triển của thị trường BĐS đóng vai trò quan trọng đối với thị trường VLXD nói chung và thị trường gạch ốp lát nói riêng. Giữa năm 2014 đến cuối năm 2015, BĐS ấm lên đã kéo theo sự hồi sinh của ngành VLXD, trang trí nội thất. Đáng chú ý, trong thời gian này những cao ốc chung cư xây dựng dang dở trước đó được tái khởi động, hoàn thiện để bán ra thị trường hoặc bàn giao nhà cho khách hàng, kéo theo nhu cầu gạch ốp lát tăng mạnh. 6 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS giảm nhiệt dần, các dự án công bố ra bên ngoài phần lớn đang ở dạng khởi động. Vì vậy, nhu cầu sử dụng đến gạch ốp lát phải chờ đến khi công trình đưa vào hoàn thiện, thời gian có thể rơi vào giữa năm 2017.
Còn nhớ, năm 2014, để tháo gỡ khó khăn về chỗ ở cho người dân, chính quyền TP đã tạo điều kiện cho phép người dân được phép tách thửa (Quyết định 33/2014/QĐ-UBND); xây dựng tạm trong khu vực quy hoạch treo, dự án treo (Quyết định 27/2014/QĐ-UBND). Ngay sau khi có chủ trương trên, hoạt động phân lô, bán nền diễn ra rất rầm rộ, nhiều khu nhà ở mọc lên nhanh chóng. Có cầu ắt có cung, vô số đại lý gạch ốp lát bỗng nhiên nở rộ, len lỏi và ăn theo các khu dân cư mới hình thành. Nhưng hiện nay, việc cấp phép xây dựng tạm và chủ trương cho phép tách thửa trên địa bàn TP đang bị tắc, điều này đồng nghĩa gián tiếp khiến nhiều chủ cửa hàng khóc ròng vì ôm hàng không tiêu thụ được.
Anh H., đại diện một doanh nghiệp sản xuất gạch men, thừa nhận sức tiêu thụ gạch từ đầu năm tới nay rất chậm, đặc biệt giảm mạnh 30-40% kể từ đầu tháng 6. Vị này cho biết bên cạnh chịu sự tác động mạnh của thị trường BĐS và chính sách nhà ở, thông thường mọi năm thị trường gạch ốp lát tiêu thụ sụt giảm rơi vào tháng 7, vì đây là thời điểm bước vào mùa mưa và ảnh hưởng tâm lý của tháng “cô hồn”. Cũng theo ông H., gần đây hàng loạt công ty gạch ốp lát đầu tư rất mạnh, tăng công suất nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường BĐS. Tuy vậy, trước sự cạnh tranh rất lớn từ gạch ốp lát nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như các công trình xây dựng đang có xu hướng thay thế gạch ốp lát qua các loại vật liệu như sàn gỗ công nghiệp, ván sàn polyme... đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp.
Theo nhận xét của ông Ph.Th. H., giám đốc một công ty xây dựng, năng lực sản xuất gạch ốp lát của các nhà sản xuất gạch ốp lát trong nước đã được cải thiện nhiều, nhưng giá thành vẫn còn cao, chưa phong phú về kiểu dáng, kích thước, mẫu mã, chất lượng thiếu ổn định. Ngược lại, gạch Trung Quốc thượng vàng đến hạ cám, giá nào cũng có, từ gạch chất lượng kém 100.000 đồng/m2 đến cả triệu đồng/m2 cho loại gạch cao cấp. Đặc biệt gạch ốp lát nhập từ Trung Quốc đang tỏ ra thắng thế ở phân khúc gạch kích cỡ lớn phục vụ cho những công trình lớn và đẳng cấp. “Tôi cho rằng trong tình thế hiện nay các nhà sản xuất gạch đang ở thế khó. Một mặt không thể theo đuổi chiến lược cạnh tranh giá rẻ với hàng Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường, một mặt không đủ tiềm lực đầu tư để cạnh tranh với sản phẩm gạch cao cấp nhập khẩu” - ông H. chia sẻ.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư