Thép xây dựng rục rịch lên giá

Cập nhật 14/09/2011 14:55

Thị trường vật liệu xây dựng bắt đầu tăng giá trở lại sau nhiều tháng giảm vì vắng khách. Sắt thép là mặt hàng lên giá nhiều nhất.

Những bó sắt được nhập về nhưng không mang vào cửa hàng mà chờ trên đường, để chuyển ngay đến khách hàng. Ảnh: Thanh Hoa

Trước đây hơn một tháng, cửa hàng vật liệu xây dựng của anh Phạm Thanh Tùng trên đường Âu Cơ (Hà Nội) chỉ bán được 5-6 tấn thép mỗi ngày. Doanh thu chỉ đạt ngót nghét 320 triệu đồng, giảm gần 70% so với cuối năm 2010. Giá giảm nhiều mà không có khách.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 8, tình thế có phần sáng sủa hơn, giá thép bắt đầu tăng. Sau 3 lần tăng từ cuối tháng 8 đến nay, giá thép đã đắt hơn trước 200.000-300.000 đồng mỗi tấn tùy loại.

Anh Tùng cũng cho biết, do giá thép tăng 3 đợt liền trong vòng chưa đầy một tháng, nhiều khách hàng có tâm lý lo giá còn biến động nên đã ký hợp đồng mua tiếp. Do đó, trung bình mỗi ngày anh cũng ký được 2-4 hợp đồng. Trước đó, cửa hàng chỉ nhập khoảng trên chục tấn sắt mỗi tháng, do lượng mua giảm, kinh doanh ế ẩm. Nhưng hiện nay, mỗi tháng cửa hàng cũng nhập 40 tấn đến 60 tấn thép, doanh thu tăng lên khoảng 20-25% so với thời kỳ ế ẩm.

Anh Hồng Sơn lên kế hoạch xây dựng căn nhà 3 tầng khoảng 80m2, ước tính hết 8 đến 8,5 tấn sắt. Vào thời điểm thép tăng giá lần đầu tiên, anh Sơn đã nhanh tay đặt cọc 70% giá trị hợp đồng. Do đó, ngay cả những đợt tăng tiếp theo, anh Sơn vẫn nhập được sắt với giá "ưu đãi". "Nhanh tay một chút, giảm bớt được cả chục triệu đồng", anh Sơn cho hay.

Lượng khách hàng mới chỉ rục rịch tăng trong khi giá thành một số loại vật liệu xây dựng vào mùa tăng giá. Ảnh: Thanh Hoa

Phần lớn các thương hiệu sắt thép đều tăng giá, kể cả Thái Nguyên hay Việt Úc. Đợt tăng vừa qua đã giúp giá thép trở về mặt bằng của cùng kỳ năm ngoái, hiện tại bằng giá sắt vào thời điểm năm ngoái.

Hầu hết các chủ cửa hàng đều cho rằng, nhu cầu xây dựng của các hộ dân có tăng, tuy nhiên chưa thể bằng cùng kỳ năm ngoái. Cửa hàng vật liệu xây dựng Huy Hoàng, ở Bồ Đề, Gia Lâm nhập khoảng 50- 70 tấn sắt mỗi tháng. Anh Khôi, chủ cửa hàng này cho biết, cùng thời điểm này năm ngoái, cửa hàng anh phải nhập gấp 3, gấp 4 lần số lượng hiện tại. Gần đây, sức mua có tăng, tuy nhiên chỉ tăng so với thời điểm trước đó 1-2 tháng, so với cùng kỳ năm 2010 còn thấp.

Theo Bộ Công Thương, sản xuất thép các loại tháng 8 cả nước ước đạt gần 600.000 tấn, tăng 7,8% so với tháng 7 và tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng ước đạt 4,89 triệu tấn. Để đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tồn kho và ứ đọng vốn, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thép đã thực hiện các giải pháp như tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển và các khoản chi phí khác cho các đại lý.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, trong tháng 7, thành viên thuộc hiệp hội tiêu thụ khoảng 350.000 tấn, giảm 30% so với mức trung bình hằng tháng. Tuy nhiên đến tháng 8, sức tiêu thụ đã lên tới 470.000 tấn và ước tháng 9 khoảng 480.000 tấn - 500.000 tấn. Hiện giá thép tăng khoảng 200.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi tấn tùy loại. Giá xuất xưởng chưa tính VAT và phí vận chuyển khoảng 15,6 triệu đồng mỗi tấn. Còn giá bán lẻ trên thị trường co hơn, dao động quanh mức 17,5-18 triệu đồng mỗi tấn tùy loại.

Ông Phạm Chí Cường Chủ tịch Hiệp hội Thép cho hay, trong tháng 7, nhiều doanh nghiệp đã phải giảm giá tới 500.000- 600.000 đồng mỗi tấn, giao miễn phí tận chân công trình, giãn tiến độ thanh toán để kích cầu tiêu dùng. Do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài trên diện rộng tiến độ xây dựng các công trình chậm lại nên lượng thép tiêu thụ giảm. Tuy nhiên sang nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9, sức tiêu thụ tăng lên đáng kể nên nhiều doanh nghiệp đã khôi phục lại giá bán ban đầu và một số đơn vị tăng giá để bù lỗ trong tháng trước.

Từ cuối tháng 8 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng nhẹ, phôi, thép phế tăng 10-15 USD mỗi tấn, đạt mức 680 USD - 690 USD mỗi tấn, thép phế cũng lên tới 470 USD- 480 USD mỗi tấn. "Nhu cầu thép, giá nguyên liệu và thép phế trên thị trường thế giới tăng nhẹ nên giá bán thép trong thời gian tới sẽ còn tăng", ông Cường nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress