Thép Việt giành lại thị trường

Cập nhật 08/08/2016 09:33

Nếu tận dụng tốt thời gian 4 năm được bảo hộ trước thép nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước sẽ đủ sức làm chủ thị trường

Nhiều doanh nghiệp (DN) thép đã có mùa làm ăn khấm khá nhờ chính sách bảo vệ ngành thép trong nước trước làn sóng “tấn công” của thép ngoại giá rẻ suốt thời gian dài.

Lãi đậm

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép 6 tháng đầu năm 2016 có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2015, trong đó sản xuất tăng 27,8% và bán hàng tăng 24,8%. Kết quả kinh doanh của nhiều DN thép tốt hơn hẳn cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, Công ty Tập đoàn thép Tiến Lên (TLH) tăng 23% doanh thu so với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến đến 22 lần, đạt 261 tỉ đồng; Công ty Thép Dana Ý cũng báo lãi gần gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái; thép Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm cao lịch sử, đến 3.000 tỉ đồng. Một số DN khác như thép Tisco, thép Việt Ý, thép Nam Kim, VnSteel, Povina… cũng đều báo lãi.

Theo giới phân tích, chính các thông tin tích cực từ đầu năm đến nay trong ngành đã giúp không ít DN thép đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu năm. Thị trường bất động sản ấm lên, nhiều chủ đầu tư chạy tiến độ dự án thuộc gói 30.000 tỉ đồng và đặc biệt là quyết định của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu đã góp phần cứu nguy không ít DN thép.

Thép nội cơ bản giành lại được chỗ đứng sau khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với thép nhập khẩu Ảnh: Tấn Thạnh

Theo Bộ Công Thương, những tháng đầu năm 2016, ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Sang tháng 3 và 4, thị trường có sự phục hồi tích cực khi giá thép trong nước tăng theo xu hướng tăng của thế giới; lượng sản xuất, tiêu thụ thép cũng tăng khá theo nhu cầu thị trường. Song song đó, Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu Việt Nam đã giúp ngăn chặn làn sóng phôi thép và thép ngoại giá rẻ tràn vào, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà sản xuất thép trong nước.

Liệu có dài lâu?

Thừa nhận thị trường thép 6 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 3 và 4 ấm lên nhờ tác động của biện pháp phòng vệ thương mại, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, cho biết năm 2015 và các tháng đầu năm 2016, lượng thép nhập khẩu, kể cả những loại thép trong nước sản xuất được tương đối nhiều. Trong đó, giá nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, làm cho các nhà máy sản xuất trong nước không cạnh tranh được. Việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đã có tác dụng làm giảm lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, các nhà máy sản xuất trong nước có cơ hội giành lại thị phần.

“Do tác động của chính sách phòng vệ thương mại cộng với giá nguyên liệu sản xuất thép, phôi thép trên thế giới tăng, hiện tượng đầu cơ đã đẩy giá thép trong nước tăng cao tại thời điểm tháng 3 và 4. Tuy vậy, đến tháng 6, giá thép giảm sâu với tổng mức từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/tấn. Tháng 7, các DN đua nhau giảm giá. VSA phải họp các nhà máy thép lại, đề nghị ổn định giá thị trường chứ không thể đua nhau giảm giá để chiếm thị phần của nhau, gây ra cạnh tranh không tốt” - ông Sưa nói.

Theo dự báo của các DN, thị trường thép 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục khả quan, tiêu thụ thép trong quý IV có thể tăng nhẹ. Nếu đúng như kịch bản này, ngành thép sẽ có 1 năm tươi sáng. Tuy nhiên, đó mới là lợi ích ngắn hạn. Mục tiêu của việc áp dụng thuế tự vệ thương mại là để bảo vệ thép sản xuất trong nước. Theo đó, các nhà máy sản xuất trong nước được bảo vệ, có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong thời gian tới bằng việc thay đổi công nghệ, cải tiến sản xuất, hợp lý hóa chi phí, xây dựng thương hiệu…

Việc Tập đoàn Hoa Sen đang xúc tiến kế hoạch đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận tại KCN Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) có công suất tối đa lên tới 15 triệu tấn/năm nếu được chấp thuận sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho ngành sản xuất thép trong nước trong “cuộc chiến” với thép ngoại giá rẻ, đặc biệt là thép Trung Quốc. “Lợi thế và cơ hội đang mở ra cho DN thép trong nước. Tuy nhiên, các DN cần tiếp tục đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ thị trường để tiến tới phát triển bền vững, làm chủ được thị trường trong nước và tiến ra quốc tế. Thời hạn “bảo hộ” qua nhanh, nếu không tập trung đầu tư từ bây giờ, ngành thép Việt Nam sẽ sớm trở lại giai đoạn ì ạch, bị động và thua ngay trên sân nhà” - một chuyên gia trong lĩnh vực thép chia sẻ.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:

50% DN thép sẽ vượt lên

Biện pháp áp thuế phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép là một chính sách tích cực, cú hích cho các DN thép tận dụng cơ hội để nâng mình lên. Biện pháp này chỉ được áp dụng trong ngắn hạn, cơ bản là DN phải nâng cao thế mạnh cạnh tranh, sức mạnh nội tại, tận dụng cơ hội để đầu tư phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Nếu hài lòng và dựa vào biện pháp phòng vệ này mà không có đầu tư chiều sâu thì sẽ lỡ mất cơ hội. Khoảng 50% DN thép có cơ hội phát triển tốt trong thời gian tới, đặc biệt những DN vừa qua đã đầu tư đồng bộ hơn, lớn hơn. Đây là cơ hội để xây dựng ngành sản xuất thép đúng nghĩa chứ không chỉ là gia công.

Quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chỉ mới phát huy tác dụng thời gian ngắn nên chưa đánh giá được tác động của nó đối với mặt hàng phôi thép và thép xây dựng. Nhưng điều chắc chắn là nếu kiểm soát được thép nhập khẩu thì sản xuất trong nước sẽ gia tăng. Sản phẩm thép nội địa đang chiếm lĩnh thị trường, các DN hoàn toàn tự tin có thể cạnh tranh được trong điều kiện minh bạch, thép ngoại không bán phá giá vào Việt Nam.

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thép Khương Mai:

Thay thế thép nhập bằng hàng trong nước

Từ nay đến cuối năm, Chính phủ tập trung giải ngân nhiều công trình đầu tư công thì tiêu thụ thép mới có khả năng tăng mạnh, nếu không chỉ tăng chút ít. Diễn biến thị trường thép 6 tháng đầu năm cho thấy với thép thương mại, DN nào nhập hàng từ trước khi quyết định áp thuế phòng vệ thương mại có hiệu lực thì có lãi, DN nào nhập hàng sau thời điểm đó rất khó bán hàng. Bản thân Khương Mai hoạt động trong lĩnh vực thép công nghiệp, trong đó 70% mặt hàng kinh doanh là hàng nhập khẩu, một số mặt hàng tăng thuế 14%-15% theo quy định. Công ty đang xem xét thay thế hàng nhập khẩu chịu thuế cao bằng sản phẩm trong nước, với điều kiện bảo đảm chất lượng cạnh tranh được với hàng nhập và chuyển hướng sang nhập hàng từ các nước Đông Nam Á.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thép Việt:

DN luyện phôi phía Bắc có nhiều cơ hội

Sau khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với sản phẩm thép, Trung Quốc đã giảm xuất khẩu thép vào Việt Nam. Nhìn chung, tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm tăng nhưng bên cạnh những DN được hưởng lợi, không ít DN, đặc biệt DN không sản xuất phôi, gặp khó khăn vì giá phôi thép, thép dài nhập khẩu tăng cao. Hiện đầu tư công ở phía Bắc rất lớn nên tiêu thụ thép ở thị trường phía Bắc tốt hơn phía Nam. Đây cũng là lý do kỳ vọng sắp tới, các DN luyện phôi thép phía Bắc sẽ vượt lên rất mạnh.



DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ