Thép Việt dễ gãy

Cập nhật 09/02/2014 14:36

Tương lai không mấy sáng sủa với ngành thép trong năm mới khi lượng thép tiêu thụ không tăng nhiều trong khi công suất tăng cao, thép rẻ nhập khẩu áp đảo thị trường và xuất khẩu khó khăn  

Tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, mặc dù toàn thị trường ghi nhận mức tăng chung với 7,4%, song chủ yếu là nhờ vào các sản phẩm thép mạ kim loại, tôn (tăng 36%), còn mức tiêu thụ của sản phẩm chính là thép xây dựng giảm 2,75%; thép cán nguội giảm 2,83%.

Kết thúc năm 2013, tổng công suất lắp đặt của ngành thép lên tới khoảng 11,38 triệu tấn nhưng chỉ sản xuất khoảng 7,5 triệu tấn. Tiêu thụ thép giảm mạnh nhất là thép xây dựng, sản phẩm chính của toàn ngành cả năm 2013 chỉ đạt khoảng 5 triệu tấn.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm, giá bán thép không tăng thì giá nguyên liệu, năng lượng đầu vào sản xuất thép lại tăng làm cho các DN thêm khó khăn. Tuy nhiên, điều khiến các DN mệt mỏi hơn cả là thép cuộn nhập khẩu có nguyên tố Bo được coi là thép hợp kim nên có thuế suất thuế nhập khẩu 0%, nhập với số lượng lớn, bán giá rẻ hơn thép cuộn sản xuất trong nước từ 500.000-800.000 đồng/tấn, đã khiến cho thép trong nước không thể cạnh tranh nổi.

Thép trong nước vẫn bị thép nhập khẩu giá rẻ làm cho điêu đứng.

Trong năm 2013, đã có thêm 5 nhà máy đi vào sản xuất, như: thép Hòa Phát có công suất 450.000 tấn/năm, thép Thái Trung công suất 500.000 tấn/năm, thép Việt - Mỹ, thép Thái Bình Dương, thép DANNA - Ý, thép An Hưng Tường có công suất 250.000 tấn/năm, khiến cho sản lượng tăng mạnh mà đầu ra không có nên càng nhiều DN càng lâm vào tình trạng chật vật.

Điều này đã dẫn đến tình trạng các DN đã cạnh tranh bằng việc tăng chiết khấu, giảm giá bán khiến cho nhiều sản phẩm có giá bán dưới giá thành và thua lỗ... Đặc biệt, trong 4 tháng cuối năm 2013, giá thép xây dựng liên tục giảm khiến các DN càng khốn đốn trong việc đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Trước thực tế này, nhiều DN thép đã tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ ra các nước nhằm tăng sản lượng tiêu thụ. Một số sản phẩm thép có lượng xuất khẩu tăng cao, như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (tăng 62,8%), ước đạt gần 800.000 tấn trong năm 2013; tiếp theo là thép hình, thép không gỉ lần lượt tăng 46% và 39%.

Năm 2014, dự báo ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn, phải đối mặt với sức ép lớn là sức mua thấp, công suất dư thừa, thép nhập khẩu giá rẻ cạnh tranh mạnh và xuất khẩu gặp thiếu ổn định.

Đầu tháng 12/2013, Bộ Công Thương đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ đối với các nhà sản xuất của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan. Tuy nhiên, với thép cuộn có nguyên tố Bo nhập khẩu ngày càng tăng sẽ là điều đáng lo ngại. Bên cạnh đó, tại thị trường nước ngoài, thép Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra chống bán phá giá lần 3, bao gồm sản phẩm ống thép hàn carbon, mắc áo bằng thép và ống thép hàn chịu lực không gỉ và liên tục phải chịu các mức thuế cao. Đây cũng là lý do khiến tình hình xuất khẩu của ngành thép theo xu hướng trồi sụt, gặp nhiều bế tắc.

Theo Hiệp hội thép, năm 2014 các DN thép sẽ có nguy cơ tiếp tục cắt giảm sản xuất, điều chỉnh quy mô hoạt động bởi trong khi thị trường tiêu thụ "dậm chân tại chỗ", một số nhà máy mới vẫn đi vào hoạt động, tăng thêm nguồn cung cho thị trường.

Cũng theo tính toán của Hiệp hội Thép, tăng trưởng kinh tế năm 2014 phải đạt mức tăng từ 5,8-6% thì mới kích thích cho ngành thép đạt mức tăng 6-7%. Muốn vậy, các chính sách về đầu tư công, phát hành thêm trái phiếu cho đầu tư hạ tầng và những giải pháp làm sôi động thị trường bất động sản trở lại cần nhanh chóng được đưa ra và phát huy hiệu quả, thì ngành thép mới có hy vọng tăng trưởng.

Khó khăn về sản xuất, tiêu thụ, cũng khiến ngành thép phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm vốn, tìm đối tác cho các dự án, nhất là những dự án còn dở dang, dự án trọng điểm.

Chẳng hạn, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên được phê duyệt từ năm 2007, với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng. Theo tính toán, dự án sẽ chạy thử nghiệm vào năm 2011, song do triển khai chậm, biến động thị trường làm giá nguyên vật liệu tăng cao, biến động tỷ giá ngoại tệ trong nước... nên phải đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng. Song, đến nay việc dàn xếp vốn vẫn chưa thể giải quyết được.

Ngay cả những dự án được coi là trọng điểm trong giai đoạn 2015-2025 như dự án thép cán nóng 2 triệu tấn/năm của Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng không tìm được nhà đầu tư, mặc dù đã đàm phán với nhiều đối tác Nga, Malaysia... Hay dự án khu liên hợp 5 triệu tấn thép tại Hà Tĩnh với đối tác là tập đoàn Tata (Ấn Độ) cũng gặp khó do phía Tata muốn rút lui.
DiaOcOnline.vn - Theo Vef