Thép ngoại tràn ngập thị trường

Cập nhật 28/09/2009 09:05

Một điểm mua bán sắt, thép xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt (TPHCM). Ảnh: H.Thúy.

Do giá thép trong nước đã tăng quá cao nên hiện thép Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... đang tràn vào thị trường VN, nhất là loại thép cuộn.

Thị trường thép xây dựng trong nước một lần nữa lại “lội ngược dòng”. Hơn tháng nay, giá phôi thép, kể cả thép xây dựng thành phẩm, trên thị trường thế giới, nhất là thị trường một số nước trong khu vực, đang giảm đáng kể do nguồn cung dư thừa... thì trong nước giá thép xây dựng tăng liên tục (đã tăng khoảng 400.000 đồng- 500.000 đồng/tấn). Do chênh lệch giá nên nguồn thép ngoại nhập lại tiếp tục tràn về với số lượng khá lớn.

Lãi lớn nhưng vẫn tăng giá

Hiện tại, giá thép trong nước bán giao tại các nhà máy đã khá cao (thép cây khoảng 11,6 triệu đồng/tấn, thép cuộn 11,3 triệu đồng/tấn- chưa tính thuế GTGT). Giá bán lẻ trên thị trường TPHCM đã lên đến 12,4 triệu đồng và 12,1 triệu đồng/tấn (tăng hơn 300.000 đồng/tấn so với đầu tháng).

Trong khi đó, giá phôi thép thế giới chỉ còn khoảng 490 USD/tấn, giảm từ 40 USD- 60 USD/tấn so với tháng trước. Điều đáng nói hơn là giá phôi thép trên thị trường thế giới đã giảm từ cả tháng nay nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước vẫn chưa có động thái gì về việc giảm giá trở lại.

Theo tính toán từ các nhà chuyên môn thì giá thành sản xuất thép tại VN hiện nay khoảng 600 USD/tấn. Với giá bán ra 630 USD- 640 USD/tấn thì nhà sản xuất đã có mức lãi 30 USD- 40 USD/tấn (tức lãi từ 500.000 đồng- 700.000 đồng/tấn).

Trong khi đó, chỉ cần lãi 100.000 đồng/tấn thép đã là khá lý tưởng trong hoạt động của ngành sản xuất thép. Những người vốn am hiểu về ngành thép nhận xét: Lãi khá nhưng DN thép chưa giảm giá vì đó là xu hướng lâu nay, giá thường chỉ tăng, rất ít khi giảm. Chỉ khi nào thị trường ế ẩm kéo dài, họ mới chịu giảm giá, còn hiện nay sức tiêu thụ vẫn còn khá lớn.

Một số DN sản xuất thép thì giải thích: Năm 2008, nhiều đơn vị ngành thép bị lỗ rất nặng. Những tháng đầu năm 2009, giá thép trong nước liên tục tăng, DN lãi lớn nhưng thực tế cũng chỉ mới bù đắp được một phần lỗ của năm trước...

Coi chừng mất thị phần

Giới kinh doanh thép xây dựng cho biết do giá thép trong nước đã tăng cao nên hiện nay lượng thép nhập khẩu về khá nhiều (chủ yếu nhập từ các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc...), trong đó chủ yếu là thép cuộn. Còn theo thông tin từ Hiệp hội Thép VN thì lượng thép nhập đã lên đến 40.000 tấn- 50.000 tấn/tháng.

Được biết, giá thép thành phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đang xuất bán sang thị trường Campuchia với giá chỉ 440 USD- 460 USD/tấn, tương đương 7,9 triệu- 8,2 triệu đồng/tấn, tùy loại, thấp hơn rất nhiều so với giá thép trên thị trường VN. Theo phân tích từ giới chuyên môn thì lượng thép cuộn ngoại nhập hiện nay đã chiếm 70% thị phần trong nước.

Đây là con số rất đáng lo ngại. Ông Đào Đình Đông, Trưởng Phòng Thị trường Tổng Công ty Thép VN (trụ sở phía Nam), cho biết bình thường các nhà máy thép ở Trung Quốc chỉ sản xuất khoảng 42 triệu- 43 triệu tấn/tháng, nhưng từ tháng 7 vừa qua, họ đã đẩy sản lượng tăng lên 50,7 triệu tấn và tháng 8 tiếp tục tăng lên 53 triệu tấn. Lượng hàng tồn kho của họ hiện nay là rất lớn trong khi sức tiêu thụ lại giảm đáng kể nên giá thép tại Trung Quốc đang giảm mạnh.

Để giải quyết lượng hàng tồn, các DN thép Trung Quốc đang đẩy nhanh xuất khẩu sang các nước, trong đó có VN, với giá cả rất cạnh tranh. Đặc biệt là từ tháng 10-2009, có thể các DN thép Trung Quốc sẽ được hoàn thuế GTGT từ 5% như hiện nay lên 12% (có khả năng sẽ được áp dụng từ đầu tháng 10- 2009), lúc đó thép Trung Quốc sẽ càng có giá cạnh tranh hơn.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho biết với lượng thép ngoại nhập cao như hiện nay cũng như giá phôi thép thế giới đang giảm nên nếu sắp tới các DN không điều chỉnh giá giảm sẽ khó bán được hàng như hiện nay.
 

Thép trong nước cũng dư thừa

Cuối năm nay, ngành thép VN sẽ có thêm 2 triệu tấn thép, nâng tổng sản lượng lên 7 triệu tấn/năm, trong khi mức tiêu thụ hiện chỉ khoảng 4,2 triệu- 4,6 triệu tấn/năm. Cụ thể Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát có thêm nhà máy thép cán công suất 350.000 tấn/năm; Công ty Thép Thắng Lợi có nhà máy thép công suất 300.000 tấn/năm; Công ty Cổ phần Thép Việt có thêm nhà máy thép 500.000 tấn/năm; Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng có công suất 180.000 tấn/năm...

Hiệp hội Thép VN đang lo ngại về lượng thép dư thừa. Gần đây, một DN thép có xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào và một số nước khác nhưng không đáng kể (chủ yếu là xuất sang thị trường Campuchia, Lào với sản lượng 50.000 tấn - 70.000 tấn/năm).
 


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động