Các công ty kinh doanh sắt thép đồng loạt công bố tăng giá, có nơi lên đến 13,5 - 14 triệu đồng một tấn, nhưng nhiều người vẫn đổ xô đi mua, do lo sợ sang năm 2008 có thể sẽ có đợt tăng giá mới.
Cuối tháng 11, Tổng công ty Thép Việt Nam đã tăng giá bán thêm 100.000 đồng một tấn, nâng giá bán ra đối với thép cuộn là 10,5 triệu đồng một tấn và thép cây là 10,6 triệu đồng một tấn. Các công ty sản xuất thép tư nhân cũng đồng loạt tăng giá lên mức 11.000 - 11.200 đồng một kg (chưa bao gồm thuế VAT 5%).
Tính chung, giá thép trên thị trường đã tăng khoảng 400.000 đồng một tấn, so với đầu năm, nhưng lượng người mua vẫn rất lớn. Trong khi giá xuất xưởng của các nhà sản xuất chỉ khoảng 10.600 - 11.200 đồng một kg, thì ở các đại lý đã bị đẩy lên đến 13.500 - 14.000 một kg, mà nhiều đại lý không có hàng để bán.
Chủ đại lý thép cấp 2 ở Hà Nội cho biết, thông thường cuối năm lượng bán có xu hướng chững lại, vì thời điểm này các công trình đi vào giai đoạn hoàn thiện, ít có nhu cầu về thép, nhưng năm nay cửa hàng bà đã bán gần như hết cả số dự trữ cho năm sau.
Mấy ngày gần đây, lượng khách đến mua tăng bất ngờ. Cho đến thời điểm này lượng thép cửa hàng bà bán ra đã tăng gấp gần 2 lần so với quý 3.
Theo chủ cửa hàng này, khách mua chủ yếu là các nhà thầu xây dựng và các đại lý nhỏ hơn. Hiện nhà máy cũng hết thép nên thị trường chủ yếu là các đại lý mua đi, bán lại với nhau.
Nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân tăng giá, cháy hàng trên thị trường hiện nay là do các nhà đầu cơ đồng loạt vung tiền ra mua hàng, trước thông tin giá thép sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Việc giá thép, cùng các loại vật liệu xây dựng khác tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành các công trình xây dựng. Đại diện một công ty xây dựng cho biết, cách đây 2 tuần công ty đã phải điều chỉnh đơn giá thi công.
Trước đây, giá thi công chỉ khoảng 3 - 3,2 triệu đồng một m2 thì nay mức thấp nhất đã là 3,5 triệu đồng một m2. Nhiều hợp đồng công ty vừa ký từ tháng 11, nhưng đến nay đã phải làm lại theo hướng một nửa hợp đồng theo đơn giá cũ, nửa còn lại theo đơn giá điều chỉnh.
Ông Kiều Chí Công, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Thép Hòa Phát cho biết, tính đến 23/11, mức tiêu thụ thép trong tháng đã đạt 20.000 tấn, đưa tổng sản lượng thép tiêu thụ của công ty lên 201.400 tấn, vượt kế hoạch năm trước một tháng.
Công ty vẫn giữ mức sản xuất, cung ứng ổn định, nhưng cầu thị trường cuối năm quá cao như hiện nay, thì có thể dẫn đến tình trạng "cháy" hàng.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, đầu năm 2008 giá thép sẽ còn tiếp tục tăng nữa, do nguyên liệu đầu vào sẽ tăng trong năm tới.
Theo dự báo, giá quặng thế giới sẽ tăng lên khoảng 30%, giá than cốc tăng 20%, giá phôi thép cũng sẽ tiếp tục tăng. Một nguyên nhân quan trọng khác là do chủ trương hạn chế xuất khẩu nguyên liệu bán thành phẩm của Trung Quốc.
Trong năm nay thuế xuất khẩu phôi thép của Trung Quốc đã liên tục tăng từ 5%, lên 15% (hiện giá phôi khoảng 560 - 580 USD một tấn). Trong năm tới có thể sẽ bị đẩy lên đến 20 - 25%.
Thuế xuất khẩu thép thành phẩm cũng sẽ tăng từ mức 5 - 10% hiện nay, lên khoảng 10 - 15%, tùy từng loại. Giá xăng dầu lên cao đã đẩy cước vận chuyển chi phí tăng khoảng 100.000 đồng một tấn trong tháng qua.
Hiện nay, 60% lượng phôi thép của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 50%. Ông Cường nhận định, lượng phôi thép sản xuất ở trong nước sẽ không tăng đáng kể, ít nhất là cho đến cuối năm sau.
Thị trường thép thế giới cũng liên tục biến động do sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào. Theo dự đoán của các chuyên gia các nhà sản xuất thép Ấn Độ có thể sẽ nâng giá thêm 5-8 USD một tấn. Trong tháng 10, các nhà sản xuất thép nước này cũng đã nâng giá thép 10-20 USD một tấn.
Không chỉ sắt thép, giá xi măng cũng liên tục tăng. Ngày 10/12, Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 tăng giá xi măng bao PCB 40 từ 975.000 đồng một tấn lên 1 triệu đồng mỗi tấn (giá giao tại công ty).
Xi măng Chinfon tăng lên 970.000 đồng một tấn (tăng 20.000 đồng một tấn), một số loại xi măng địa phương cũng tăng giá từ 20.000 - 25.000 đồng một tấn.
Xi măng tăng giá, nguyên nhân chủ yếu do các nguyên liệu đầu vào tăng, giá giấy kraft tăng khoảng 2,4 triệu đồng một tấn, giá clinker hiện khoảng 28 USD một tấn, trong khi giá chào bán cho năm 2008 khoảng 34 USD một tấn.
Xăng dầu tăng giá, làm cước vận chuyển cũng tăng 25.000 - 40.000 đồng một tấn. Ngoài ra, cuối năm, các công trình đi vào giai đoạn hoàn thiện nên nhu cầu xi măng cũng tăng cao, góp phần tăng sức nóng của thị trường.
Theo Vnexpress