Thất thu từ cát, sỏi

Cập nhật 15/06/2018 10:58

Hoạt động khai thác cát, sỏi có phép lẫn không phép trên  sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự..., đặc biệt làm thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách do buông lỏng quản lý.

Tàu khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn. ẢNH: HỮU TRÀ

Loạn khai thác cát

Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam thống kê có 28 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi (tổng cộng 37 giấy phép), tập trung chủ yếu ở hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Tổng trữ lượng cát, sỏi cấp phép khai thác lên đến 7,5 triệu khối, trong đó cát chiếm 96% (hơn 7,2 triệu khối), tổng công suất khai thác là 1,43 triệu khối/năm. Nguồn cát này chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng hạ tầng ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã có một số đơn vị chuyển cát xây dựng vào TP.HCM để bán.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp khai thác cát đều có sai phạm như khai thác vượt ranh giới cấp phép, khai thác không đúng trình tự, không thực hiện giám sát môi trường, khai báo sản lượng nộp thuế không đúng với sản lượng khai thác...

Qua kiểm tra 19 doanh nghiệp (26 giấy phép), có 12 trường hợp đang tạm dừng khai thác; 1 giấy phép bị tước quyền sử dụng có thời hạn 2 tháng, 1 giấy phép bị buộc dừng khai thác, 1 tạm dừng do chưa có đường vận chuyển, 1 giấy phép tạm dừng do đang lập hồ sơ xin thay đổi công nghệ khai thác và 8 giấy phép tạm dừng do chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Hoạt động khai thác trái phép trên sông Vu Gia - Thu Bồn lại càng phức tạp và gây thất thoát tài nguyên. Các thuyền hút cát trái phép thường khai thác vào ban đêm, tại vùng giáp ranh và cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra; thậm chí trang bị dụng cụ sẵn sàng chống trả.

Theo Sở TN-MT, không loại trừ khả năng những “cát tặc” này cấu kết với cán bộ, công chứcđể nắm trước lịch kiểm tra, hoặc được cán bộ làm ngơ, bao che.

Siêu lợi nhuận

Quảng Nam thu thuế 27.650 đồng/m3 cát, tương đương khoảng 19% giá mỗi khối cát bán trên thị trường. Vậy nhưng nhiều doanh nghiệp còn bỏ ngoài sổ sách, không kê khai đầy đủ sản lượng khai thác. Mỗi năm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều báo cáo làm ăn không có lãi hoặc lãi rất thấp, nhưng chủ doanh nghiệp nào cũng… giàu.

“Đây là hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận. Không có ngành nghề kinh doanh nào đạt được lợi nhuận cao như khai thác cát sỏi!”, ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam, bình luận.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng những “điểm nóng” khai thác cát, sỏi trái phép thời gian qua làm mất nhiều thứ: tài nguyên, đất sản xuất, nguồn thu, an ninh trật tự và niềm tin của người dân đối với chính quyền.

“Phải chấn chỉnh! Cần tổ chức quy hoạch lại bến, bãi theo hướng giảm từ 38 bến bãi hiện có xuống còn 12 bến bãi tại Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên. Tại các bến bãi tập trung phải gắn camera giám sát”, ông Thu chỉ đạo.

Số lượng doanh nghiệp khai thác cũng phải giảm từ 29 xuống còn 10 và tổ chức đấu thầu khai thác công khai, buộc doanh nghiệp phải kê khai sản lượng khai thác đầy đủ. Ngày 1.7 là hạn chót để các địa phương “xóa” hết tất cả các bến bãi tự phát.

Mượn phóng viên để triệt hạ đối thủ

Tại hội nghị, ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND H.Đại Lộc, bức xúc nêu vấn đề một số doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn H.Đại Lộc cạnh tranh không lành mạnh về giá. Có trường hợp, doanh nghiệp sử dụng “một số phóng viên để triệt hạ đối thủ”, gây sức ép, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền địa phương.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên