Tăng bội chi để đầu tư cho các dự án dang dở: Cảnh báo có tiền lại sẽ … xài sang

Cập nhật 29/10/2013 10:42

Nâng bội chi ngân sách lên 5,3% vào năm 2014 và bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh là việc làm cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đang dang dở vì "đói” vốn. Tuy nhiên, cũng cần cảnh báo chuyện "có tiền lại xài sang” vì thực tế đã chứng minh, có không ít nguồn đầu tư đang lãng phí, gây thất thoát.


Nếu Chính phủ không kiên quyết chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn
Ảnh: Hoàng Long

Cần sự cam kết

Chính phủ vừa đề nghị Quốc hội cho phép nâng bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3%, và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2014-2016. Trong đó, không bao gồm 75.000 tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT  Bùi Quang Vinh: "Nếu Chính phủ không kiên quyết chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải, cứ để đầu tư diễn ra ồ ạt theo phong trào như các năm trước thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Từ hồi tôi về làm Bộ trưởng đến giờ hầu như không ký dự án nào mới, chỉ lo đi chữa cháy các dự án tồn đọng...”. Chính vì vậy, việc tăng vốn đầu tư để giúp hàng nghìn công trình của các giai đoạn trước có thể đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, tạo thêm nguồn lực mới cho đất nước là một nhu cầu bức thiết. Cụ thể, Chính phủ đề xuất bố trí 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên). Bên cạnh đó, sẽ bổ sung 73,32 nghìn tỷ đồng cho hơn 800 dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011-2015, để thúc đẩy tiến độ thi công sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng khác sẽ được sử dụng làm vốn đối ứng các dự án ODA, là phần vốn đối ứng cho các dự án do các bộ, ngành cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương nghèo, khó khăn theo Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, hơn 15 nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Đề xuất của Chính phủ lần này về phát hành thêm trái phiếu Chính phủ sẽ không phát hành tràn lan mà có trọng điểm, hướng vào những công trình, dự án thiết thực. Định hướng trên của Chính phủ sẽ được giám sát chặt chẽ để tránh gây lãng phí.

Trên thực tế, đầu tư công hiện nay chưa thực sự hiệu quả và điều này đã được Chính phủ thừa nhận thông qua báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Nhiều dự án đang triển khai hoặc sắp triển khai, tính hiệu quả kinh tế đã kém hơn rất nhiều so với số vốn đầu tư. Đó là chưa kể nhiều dự án đội vốn, bị tham nhũng hoặc "xà xẻo” ở nhiều lĩnh vực. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, TS Kinh tế, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước đây và hiện nay "bộ lọc” các công trình dự án luôn có vấn đề. Có tiền thì đưa công trình dự án vào xét duyệt nguồn vốn. Không có tiền thì đưa các công trình, dự án ra ngoài trên danh nghĩa cắt giảm tiết kiệm. Bộ tiêu chí về hiệu quả gần như không có. Nguồn phát hành trái phiếu và tăng đầu tư công trong thời gian tới sẽ rất lớn, nhưng nếu không có thứ hạng ưu tiên tất sẽ không tránh khỏi dàn trải lãng phí, đặc biệt khi khoán cho các bộ ngành.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong 10 năm qua, Việt Nam đã đầu tư công với 20 cảng biển quốc tế, 22 sân bay dân dụng (trong đó 8 sân bay quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình 1 tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1.757 dự án trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và di dân với tổng mức đầu tư lên tới gần 444 nghìn tỷ đồng. Bao nhiêu trong số này đang "án binh bất động” hoặc kém hiệu quả kinh tế? Bà Võ Thị Dung, Chủ tịch MTTQ TP. Hồ Chí Minh bên lề kỳ họp thứ 6 đã dẫn chứng dự án vận tải biển vào sông Hậu, đây cũng là câu hỏi lớn của cử tri cả nước. Theo bà Dung, đây là dự án tác động môi trường khi xây dựng, dự án không khả thi, thậm chí ngân hàng quốc tế không cho vay vốn để đầu tư. Tuy nhiên, trong danh sách lần này vẫn đưa công trình vào đầu tư tiếp, đặc biệt khi công trình đã đội vốn từ 3.000 tỷ đồng lên đến 10.000 tỷ đồng. "Đó là đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Đã đến lúc, Chính phủ  cần đưa ra địa chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội nếu dự án không đạt hiệu quả kinh tế. Quan trọng hơn, nguồn vốn đầu tư cần có sự cam kết của Chính phủ”, bà Dung nhấn mạnh.
 

Nếu nới bội chi sẽ giúp tháo gỡ dòng vốn cho giới kinh doanh
Ảnh: Hoàng Long

Duyệt kinh phí theo hiệu quả hay theo tiến độ?

Theo báo cáo của Chính phủ, do thiếu vốn nên nhiều công trình, dự án chưa thể hoàn thành. Chính vì vậy, với việc tăng bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới sẽ là nguồn vốn quan trọng để giúp các công trình dự án hoàn thành đúng kế hoạch. Tuy nhiên, duyệt kinh phí cho các dự án hiệu quả kinh tế và các dự án hoàn thành, nhóm vấn đề nào được ưu tiên là thắc mắc của không ít đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần này. Theo ông Huỳnh Quang Ánh (đoàn TP. Hồ Chí Minh), nếu những công trình hoàn thành nhưng không hiệu quả thì đầu tư trên được coi là lãng phí. Ông Ánh dẫn chứng một số dự án như cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Cái Lân... trên thực tế làm xong vẫn hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.

Theo TS Trần Du Lịch, Ủy ban kinh tế Quốc hội, hiện nay một số công trình bức xúc về vốn nhưng không có nguồn vốn để triển khai. Chính vì vậy, cần phân loại các dự án dang dở để xử lý. Những dự án được đánh giá hiệu quả nằm trong kế hoạch sẽ phải ưu tiên. Những dự án chưa cần thiết có thể đẩy lùi sang những năm tiếp theo. Muốn làm được như vậy cần phải có sự công tâm và minh bạch. Vì rằng, khi tham nhũng và "lợi ích nhóm” còn chiếm tỷ trọng không nhỏ trong phê duyệt các công trình, dự án, thì nguồn vốn tiếp ứng (bội chi ngân sách và trái phiếu) có tăng sẽ vẫn không bao giờ đủ.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Dự án Sân bay quốc tế Long Thành – không có lợi không làm”

Hiện nay, dự án mới ở giai đoạn chủ đầu tư lập báo cáo dự án ở giai đoạn 1. Đến nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước chưa có báo cáo lên Chính phủ. Giống như dự án Thủy điện Đồng Nai trước đây, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét các lý lẽ khoa học. Có lợi mới làm, không lợi không làm. Phê duyệt dự án sẽ không chịu bất kỳ sức ép nào.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết