Sử dụng vật liệu xây dựng không nung vừa kinh tế lại tiết kiệm đất canh tác và bảo vệ môi trường. Ở nhiều nước phát triển, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng không nung lên tới 50-70% tổng sản lượng. Vậy mà ở Việt Nam, con số này chỉ là 7-8%.
Theo các chuyên gia trong ngành, những ưu thế của loại vật liệu xây dựng không nung là rất rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh an ninh lương thực và sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang là mối quan tâm của toàn nhân loại.
Sử dụng vật liệu là phế thải công nghiệp như tro, xỉ nhiệt điện, đá mạt, xỉ lò cao, xỉ lò gạch..., vật liệu không nung không làm mất đất mặt canh tác (trung bình từ năm 2000 đến năm 2007 mỗi năm việc sản xuất gạch đất sét nung đã biến 1.200 ha đất canh tác thành ao hồ, biến ruộng bậc cao thành vùng đất trũng); không làm tiêu hao nhiên liệu và do đó cũng không gây ô nhiễm môi trường bởi các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính (năm 2005, việc sản xuất 18 tỷ viên gạch thải ra 2,902 tỷ tấn CO2).
Ngoài ra, vật liệu xây dựng không nung, nhất là block bêtông nhẹ kích thước lớn, còn giúp giảm nhẹ tải trọng tường xây trong công trình từ 40-50%, cách âm, cách nhiệt rất tốt. Kết cấu rỗng của gạch block thuận lợi cho việc thi công hệ thống điện nước, cáp thông tin ngầm trong tường.
Ở Việt Nam, việc sử dụng vật liệu không nung đã được ứng dụng khá thành công tại một số công trình xây dựng cao cấp như khách sạn Horison, khách sạn Hilton, Trung tâm hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình..., song thực tế vẫn còn khoảng cách rất lớn so với quy hoạch phát triển của ngành này.
Phải chăng giá cả là vấn đề? Tại một hội nghị về vật liệu xây dựng vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phát biểu, giá gạch đất sét nung ở ta hiện nay (loại gạch lò đứng thủ công) “rẻ một cách vô lý”. Ở các nước, do tính đúng, tính đủ những chi phí về môi trường và đất đai nên gạch nung rất đắt và thường chỉ được sử dụng khi tạo ra điểm nhấn kiến trúc, nội thất. Thế nhưng, so sánh cả công trình thì giá thành xây gạch block không nung không cao hơn, vì tốn ít vữa xây, vữa trát, thời gian xây nhanh hơn, tường nhẹ nên không cần áp dụng một số giải pháp kỹ thuật đặc biệt, nhất là ở vùng đất yếu! Đó là chưa kể trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay nguồn cung gạch nung không đủ cầu, có lúc đã tăng giá tới 200-300%!
Vấn đề còn lại - chuyện thuộc dạng “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”, nhưng rất khó thay đổi - là thói quen. Bao đời nay dân ta đã quen sử dụng gạch đất sét nung cỡ nhỏ, xây dựng thủ công, phù hợp với lối sản xuất nhỏ. Khi sử dụng gạch block kích thước lớn, nặng, vận chuyển khó khăn nhất là khi đưa lên cao, thợ xây... không thích. Quy trình xây gạch block cũng yêu cầu chặt chẽ hơn, đòi hỏi tay nghề người thợ cao hơn. Các chủ công trình “nội”, nhất là công trình quy mô nhỏ, chưa nắm bắt hết tính ưu việt của vật liệu xây dựng không nung nên cứ “lối cũ mà đi”...
Số liệu thống kê của ngành xây dựng cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2007, sản lượng gạch xây của nước ta tăng từ 9 tỷ viên lên 22 tỷ viên. Dự kiến đến năm 2015, con số này là 32 tỷ viên và đến năm 2020 sẽ tăng lên 42 tỷ viên. Giả sử chỉ sử dụng gạch đất sét nung thì để đạt được sản lượng này, từ năm 2000 đến năm 2020, chúng ta sẽ phải tiêu tốn tới 600 triệu m3 đất sét, tương đương với 30.000 ha đất canh tác, cộng thêm 60 triệu tấn than!
Câu trả lời tưởng đã rất rõ. Bên cạnh việc tuyên truyền để thay đổi thói quen cố hữu của các chủ công trình, cơ quan quản lý ngành cần sớm xây dựng và ban hành đồng bộ các tiêu chuẩn về quy phạm xây dựng liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu không nung, các đơn vị tư vấn thiết kế cũng cần nghiên cứu đưa các chủng loại sản phẩm thích hợp vào công trình xây dựng...
Nói đi cũng cần nói lại, về phía mình, nhà sản xuất vật liệu xây dựng không nung cũng cần căn cứ vào nguồn tài nguyên của từng vùng, nhu cầu của thị trường, để đầu tư các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung với kích thước, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Thời “khách hàng là Thượng đế”, không thể “bắt” nhà đầu tư dùng mãi một vài loại sản phẩm đơn điệu chỉ vì “nó tốt đấy, sạch đấy”!
Theo Doanh Nhân Sài Gòn