Sốt xi măng do vận chuyển kém...

Cập nhật 19/05/2008 15:00

Miền Nam đang chứng kiến đợt sốt giá xi măng nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân của mâu thuẫn này? Ông Trần Văn Huynh, chủ tịch hội Vật liệu xây dựng Việt Nam trao đổi với SGTT

* Ông lý giải như thế nào về đợt sốt giá xi măng vừa qua ở các tỉnh phía Nam?

Theo tôi, chúng ta có vấn đề về điều hành thị trường. Phần lớn các nhà máy xi măng nằm ở phía Bắc gần các mỏ đá vôi nguyên liệu, trong khi xi măng Hà Tiên, Holcim ở miền Nam đang xây dựng tiếp. Miền nam thiếu xi măng là đương nhiên.

Xây dựng phát triển quá nhanh ở miền Nam, nên cung có thể thiếu. Trong khi đó, vận chuyển từ Bắc vào Nam là vấn đề. Bài toán này lâu nay vẫn chưa giải quyết được.

* Câu chuyện này có liên quan đến việc kìm giá để chờ sau 1.6 hay không?

Tôi biết, bản thân các nhà máy không làm chuyện đó. Đầu tháng 5, chúng tôi có vào trong Nam gặp nhà máy Hà Tiên 1, Hà Tiên 2, và Holcim. Cả ba nhà máy chính này nói là đang lo thiếu xi măng. Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 đang đầu tư nhà máy 2 triệu tấn mà chưa có nguồn nguyên liệu trong nước, chủ yếu phải nhập khẩu ckinker. Nhưng giá clinker nhập khẩu từ Thái Lan về rất đắt, hơn 900 ngàn đồng/tấn. Họ sản xuất càng nhiều càng lỗ.

Vừa rồi, việc đưa clinker từ miền Bắc vào miền Nam cũng có vấn đề. Ví dụ, nhà máy Cẩm Phả sản xuất ra 6.000 tấn clinker/ngày, nhưng lại không có đủ tàu lớn để chở. Chỉ có mỗi loại tàu 3.000 tấn. Họ cố gắng lắm nhưng cũng chỉ chở được vài chục ngàn tấn.

Đợt sốt giá vừa qua, theo tôi, các nhà máy không dìm hàng đâu, nhưng có thể hệ thống phân phối làm việc này.

* Nếu giá nguyên liệu đầu vào như điện, than, tăng sau 1.6, giá xi măng sẽ thế nào?

Ngành xi măng tiêu thụ nhiều điện và than, vì vậy duy trì giá hai mặt hàng này là tốt nhất. Nếu Nhà nước tăng giá điện và than, thì cũng khó giữ giá xi măng đấy. Ngành xi măng khắc phục việc này chỉ bằng cách tiết kiệm năng lượng. Nhưng sẽ là không đủ.

* Nhưng nếu chính sách giá của Nhà nước không rõ ràng, thì có chuyện các công ty xi măng găm hàng lại không?

Tôi được biết là các nhà máy xi măng không tệ thế đâu... Điện và than là hai ngành đang độc quyền, vì vậy Nhà nước phải có chính sách như thế nào và kiểm soát chặt chẽ thế nào chứ không sẽ tác động đến nhiều ngành khác.

Vì sao giá than vừa qua tăng nhiều như thế, họ tăng hơn 1 triệu đồng/tấn mà chất lượng than không cao. Vô lý!

Nhà máy Cẩm Phả vừa đi vào sản xuất mà họ báo cáo hàng ngày cho tôi là bị cắt điện liên tục từ 5h chiều đến 10h đêm, làm nhà máy không chạy được. Có lần ông Võ Văn Kiệt đến thăm nhà máy nói thẳng, các anh phải tự lo lấy, chứ các anh trông chờ vào ngành điện thì sẽ chết cho đến 2020.

* Tóm lại, nhu cầu xi măng năm nay như thế nào trong bối cảnh có thể có nhiều công trình lớn sẽ chậm thi công để giúp kìm chế lạm phát?

Tổng cầu xi măng năm nay dự kiến 40 triệu tấn, nhưng sản xuất trong nước không đủ, thiếu khoảng 4 triệu tấn clinker nên phải nhập 3 - 4 triệu tấn.

Năm nay ai bảo là xi măng đủ hay thừa là không có đâu, chắc chắn thiếu. Trước đây Chính phủ tính toán cơ học là khoảng 10 nhà máy công suất 12 triệu tấn dự kiến đi vào sản xuất trong năm nay. Nhưng con số này là trên kế hoạch, chứ không thực hiện được. Tôi đi nhiều nơi thấy các nhà máy lớn như Thăng Long, Thái Nguyên, Tây Ninh đều chậm hết. Chỉ duy nhất có Cẩm Phả là đi vào sản xuất.

Năm nay và cả năm tới, sẽ vẫn còn cảnh thiếu xi măng và phải nhập khẩu clinker.

* Vì sao các mỏ đá ở Việt Nam nhiều mà vẫn phải nhập nhiều clinker?

Vì ngành xi măng đầu tư không kịp, và kéo dài. Hiện nay tổng công suất đã đầu tư là 67 triệu tấn, nếu cộng với công suất hiện có 30 triệu tấn thì mình thừa xi măng. Nhưng các công trình kéo dài lê thê, có nhiều công trình không có vốn, không có lực lượng thi công, nên động thổ xong rồi để đó. Họ không đủ sức làm. Hầu hết họ có nhiều nhất chỉ 10 - 15% vốn, còn lại phải vay. Việc này Nhà nước cũng phải có trách nhiệm, chứ không thể để mặc tư nhân.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị