Trong khi nhu cầu ở thị trường trong nước tăng cao thì nhiều mặt hàng thiết yếu nhập khẩu, nhất là sắt thép lại được xuất ngược ra khỏi biên giới dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng và giá cả bị đẩy lên rất cao.
Chảy ngược
“Thời gian gần đây có rất nhiều mặt hàng nhập khẩu vừa về đến cảng lại được các chủ hàng tái xuất, đặc biệt là sắt thép”- Ông Võ Hoàng Giang - Giám đốc Cty Xếp dỡ Tân Thuận (Cảng Sài Gòn) cho biết.
Ông Xuân Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Cát Lái (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) cũng xác nhận tình trạng tái xuất ngay lập tức các mặt hàng nhập khẩu đang diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, chủ yếu vẫn là do sự chênh lệch về giá giữa trong nước và ngoài nước.
Hiện tại, giá nhiều mặt hàng trong nước tăng cao nhưng vẫn còn thấp hơn so với nhiều nước khác. Vì vậy, thay vì bán tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tái xuất ra các nước, thậm chí ngay cả nước mà DN vừa ký hợp đồng nhập khẩu.
Một nhân viên xuất nhập khẩu của một DN sản xuất thép tại Long An nêu ví dụ đối với mặt hàng thép lá cuốn nguội: Ở thời điểm 3-4 tháng trước, các DN ký hợp đồng nhập khẩu tại Indonesia với giá khoảng 800 USD/tấn, nhưng đến nay (23/5/2008) - thời điểm giao hàng, giá tăng lên 1.075 USD tấn.
Trong khi đó, giá trong nước mới chỉ ở mức bình quân 900 USD/tấn, trừ chi phí vận chuyển và các chi phí khác, mỗi tấn thép tái xuất, DN lãi ít nhất 50 USD.
Với mức lãi này, nhiều DN không ngần ngại… bỏ thị trường trong nước và xuất ngược trở lại Indonesia hoặc Ấn Độ. Một nguồn tin của Tiền phong cho biết Cty Đ.T.L là DN có khối lượng nhập và xuất khẩu sắt thép rất lớn. Mỗi tháng Cty này ký hợp đồng nhập khẩu khoảng 40.000 tấn sắt thép các loại và cũng đã tái xuất phần lớn số hàng nói trên để hưởng chênh lệch thay vì tiêu thụ trong nước.
Tránh vết xe đổ
Theo ông Xuân Bình, về nguyên tắc các DN được phép làm điều này vì luật pháp không cấm, miễn là DN phải làm đầy đủ các thủ tục xuất nhập khẩu cũng như các nghĩa vụ về thuế.
Cũng theo ông Bình, ở một khía cạnh nào đó, DN lại còn được hoan nghênh vì đã đem về nhiều ngoại tệ cho quốc gia. Tuy nhiên, ông Bình cũng như nhiều chuyên gia, trong điều kiện hiện nay, điều đó đáng lo hơn mừng.
Vì rằng, đến một lúc nào đó nguồn cung sẽ khan hiếm gây mất cân đối trên thị trường, tất yếu giá cả sẽ bị đẩy lên rất cao và người dùng thép xây dựng trong nước sẽ phải lãnh chịu hậu quả.
Trước mặt hàng sắt thép cũng đã xảy ra tình trạng tương tự đối với mặt hàng phân bón. Mới đây Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Bộ Tài chính áp dụng phụ thu xuất khẩu đối với các loại phân bón hai loại urea và DAP với mức 40% và chấp thuận với đề nghị của Bộ NN&PTNT tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu hai loại phân bón này tới hết tháng 7/2008. Đây là động thái cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng nguồn cung cũng như về giá trong thời gian tới.
Với mặt hàng sắt thép, Bộ trưởng Công Thương cũng vừa yêu cầu Tổng Cty Thép Việt Nam không tăng giá cho đến hết tháng 6/2008. Điều đó cũng có nghĩa giá sắt thép vẫn tiếp tục đứng ở mức thấp hơn so với giá thế giới, và việc tái xuất sắt thép vẫn tiếp tục diễn ra.
Các chuyên gia cho rằng, các ngành chức năng phải quan tâm theo dõi và sớm có động thái để ngăn chặn tình trạng này để tránh “vết xe đổ” phân bón.